Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành với tổng chiều dài 57,1km (đi qua TP.HCM, Đồng Nai và Long An) được khởi công vào tháng 7.2014, dự kiến thông xe một phần vào năm 2017 và thông xe toàn tuyến vào năm 2019. Tuy nhiên mục tiêu này khó đạt vì dự án đang vướng khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).
Các nhà thầu đang thi công gói thầu trên địa phận TP.HCM. ảnh:H.K
Theo Ban quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án có chi phí GPMB lên đến trên 4.000 tỷ đồng, nhưng hiện nay việc bố trí vốn cho công tác này rất chậm, dẫn đến nhiều gói thầu bị vướng. Điển hình như các gói thầu J3, A5, A6, A7… nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích đất chưa thu hồi được lên đến hàng trăm ngàn mét vuông. Một số gói thầu thuộc địa bàn TP.HCM, Long An cũng đang bị chậm tiến độ do người dân khiếu nại về đơn giá bồi thường. Riêng gói thầu A2.2 đoạn qua huyện Bình Chánh (TP.HCM) còn đến hàng trăm hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Đại diện Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vị đã hoàn thành bàn giao cọc GPMB cho các địa phương. Còn phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cũng được các tỉnh, thành phê duyệt xong, tuy nhiên đơn vị không có vốn đối ứng để thực hiện GPMB, tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng hay thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật. Năm 2016, VEC cũng chưa được giao kế hoạch vốn đối ứng để thực hiện dự án.
Được biết, năm 2015, VEC mới ứng vốn để các địa phương GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật với số tiền 195 tỷ đồng.
Theo ông Mai Anh Tuấn - Tổng Giám đốc VEC, mới đây VEC đã kiến nghị các Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan bố trí kịp thời vốn đối ứng cho các dự án VEC đang triển khai, trong đó có dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo ông Tuấn, dự án này có nhu cầu vốn đối ứng lên đến 1.850 tỷ đồng./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.