Đường đi bộ lát gỗ lim siêu sang ven sông Hương chưa xong đã nứt

Thứ hai, ngày 20/08/2018 06:56 AM (GMT+7)
Mới đang hoàn thiện nhưng bề mặt các tấm gỗ lim lát tại đường đi bộ ven sông Hương (TP Huế) đã xuất hiện nhiều vết nứt.
Bình luận 0

Được khởi công từ đầu tháng 2/2018, công trình “Đường đi bộ lát gỗ lim” nằm trong dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm" do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA).

img

Mặt đường đi bộ ven sông Hương được thiết kế lát gỗ lim nhập khẩu

Con đường bên bờ Nam sông Hương độc đáo này kéo dài từ công viên Lý Tự Trọng (phía trên cầu Phú Xuân) đến đầu cầu Trường Tiền với tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng.

Ngoài các hạng mục bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông (đường dạo nội bộ), hệ thống chiếu sáng, hệ thống cầu đi bộ lát gỗ lim với kinh phí hơn 5 tỷ đồng là điểm nhấn của dự án.

img

img

Vết nứt xuất hiện trên các tấm gỗ lát 

Trên thực tế, mặc dù đang trong giai đoạn thi công nhưng hiện nay, hàng loạt tấm gỗ lim được đưa vào lát đã xuất hiện nhiều vết nứt, trong đó có những vết nứt chân chim và một số tấm xuất hiện các vết lớn, tạo thành khe hở chạy dọc theo thớ gỗ.

Hàng chục tấm gỗ lim vừa được đơn vị thi công lát xuống sàn đã bị nứt nẻ, có dấu hiệu cong vênh. Để “che đậy” những vết nứt này, đơn vị thi công phải dùng một số chất phụ gia trám vào các tấm gỗ.

Hiện tượng hàng loạt tấm gỗ lim bị nứt không chỉ xuất hiện trên bề mặt sàn mà còn dễ dàng phát hiện tại các tấm gỗ “nằm phơi nắng” rải rác khắp công trình.

Gỗ lim bền vững?

Trước đó, dư luận tại TT-Huế cũng như một số nhà chuyên môn cho rằng, với điều kiện khí hậu tại TT-Huế nói riêng và một số tỉnh miền Trung nói chung, việc sử dụng gỗ để làm các công trình ngoài trời là không phù hợp, dễ bị hư hỏng.

img

img

Vết nứt trên tuyến đường đã lát gỗ

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với thời tiết thất thường như ở TT-Huế, đơn vị thực hiện dự án có thể dùng đá giả gỗ để lát sàn trong hạng mục tuyến đường đi bộ ven sông Hương.

Vật liệu này vẫn giữ được giá trị thẩm mỹ, độ bền nhất định cũng như giảm đáng kể chi phí so với sử dụng gỗ lim nhập khẩu.

Thế nhưng, BQL dự án lại nêu quan điểm, lim là một trong 4 loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Gỗ lim rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

img

Những tấm ván chưa lát cũng đã nứt 

“Hệ thống gỗ lim được dùng để thực hiện dự án là gỗ nhập khẩu từ Nam Phi, có độ bền cao, màu sắc hài hòa, thân thiện với cảnh quan, môi trường”, BQL dự án từng nêu quan điểm về quyết định sử dụng gỗ lim để lát sàn thay vì các vật liệu khác.

Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế kiêm Trưởng BQL dự án cho biết sẽ chỉ đạo cán bộ dự án kiểm tra thưc tế hiện trạng và cung cấp thông tin cho báo chí khi có kết quả.

Theo tiêu chuẩn quốc gia 7960:2008 về Ván sàn gỗ - Yêu cầu kỹ thuật do Viện Vật liệu xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, ván sàn gỗ không cho phép xuất hiện vết rạn nứt chân chim ở mặt trên và nứt hở thành vết ở các mặt.

Quang Thành (Vietnamnet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem