Đường lát gỗ lim ở Huế: Gỗ nhập khẩu, không ảnh hưởng rừng Việt Nam?

Trần Hòe Thứ sáu, ngày 02/03/2018 16:00 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Ban quản lý dự án về việc sử dụng gỗ lim để lát cho tuyến đường đi bộ tại bờ Nam sông Hương ở TP.Huế (Thừa Thiên - Huế).
Bình luận 0

Liên quan đến vụ đường lát gỗ lim gây dư luận trái chiều ở Huế, hôm nay (2.3), Ban quản lý dự án KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc) đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan để cung cấp một số thông tin về dự án.

Theo văn bản do ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án KOICA ký, dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP.Huế” là dự án thí điểm của dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm”, do KOICA tài trợ không hoàn lại.

img

Tuyến đường đi bộ lát gỗ lim này được xây dựng để kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng, TP.Huế. Ảnh: Trần Hòe

Ông Bằng cho biết, tổng kinh phí thực hiện dự án “Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP.Huế” là 52,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép.

Theo ông Bằng, tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim là 2.438m2. Dự toán tổng chí phí gỗ lim lát sàn là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý ngâm hóa chất, sấy và gia công, lắp dựng).

Ông Bằng khẳng định số gỗ lim này “có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam”.

img

Phối cảnh dự án đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương.

Trước đó, trong hồ sơ về dự án được cung cấp cho báo chí, Ban quản lý dự án KOICA khái toán kinh phí đầu tư xây dựng như sau: Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 63,9 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 53,2 tỷ đồng, hơn 10,6 tỷ đồng còn lại là kinh phí dự phòng. Riêng chi phí thi công sàn theo hồ sơ này là hơn 42,2 tỷ đồng.

Theo Ban quản lý dự án KOICA, quá trình thiết kế dự án, các chuyên gia, tư vấn Hàn Quốc và Việt Nam đã quan tâm đến việc nghiên cứu, đề xuất các loại vật liệu sử dụng cho việc lát sàn của cầu đi bộ. Các loại vật liệu đã được tư vấn nghiên cứu kỹ, nhiều phương án như đá granit, gỗ tổng hợp sản xuất tại Việt Nam và Hàn Quốc, gỗ lim.

Ban Quản lý dự án đã tổ chức công bố, lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với phương án thiết kế dự án từ ngày 4- 25.7.2016. Trong đó, đối với nội dung lấy ý kiến về kết cấu, vật liệu cho kết quả 29/32 phiếu, tỷ lệ 90,62%.

img

Khái toán kinh phí đầu tư xây dựng dự án mà Ban quản lý dự án cung cấp cho báo chí trước đây. 

Ông Nguyễn Việt Bằng khẳng định, từ sự phân tích, so sánh, tư vấn đã đề xuất chọn gỗ lim là vật liệu để lát sàn tuyến cầu đi bộ với một số lý do: Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ nằm trong nhóm tứ thiết (đinh, lim, sến, táu), ưu điểm nổi bật là loại gỗ rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết.

“Sử dụng gỗ lim luôn duy trì được cảm giác thoải mái trong quá trình sử dụng và tạo nét mỹ quan về lâu dài và tạo nét đặc trưng và truyền thống của Huế...” - ông Bằng cho hay.  

Như tin đã đưa, những ngày gần đây, tuyến đường đi bộ lát gỗ lim ven bờ Nam sông Hương ở TP.Huế chính thức được triển khai xây dựng. Hiện đơn vị thi công đã huy động phương tiện đóng hàng loạt cọc bê tông xuống sông Hương và tiến hành đổ dầm bê tông.

Từ lúc còn là chủ trương cho đến khi được triển khai trên thực tế, tuyến đường đi bộ lát gỗ lim này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tính bền vững. Những chuyên gia này cho rằng, trong điều kiện thời tiết ở Huế, việc lát gỗ lim cho tuyến đường này thì gỗ sẽ nhanh hỏng và gây lãng phí rất lớn.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thái Vĩnh - nghệ nhân làm nhà rường nổi tiếng ở Thừa Thiên - Huế cho biết: “Dù là gỗ lim thì phơi giữa mưa nắng cũng không tồn tại lâu được. Nếu lát gỗ lim Nam Phi thì do chất lượng gỗ kém nên dăm bảy năm là hư. Lim Việt Nam và lim Lào thì đỡ hơn nhưng cũng sẽ nhanh hỏng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem