Giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ

Mỹ Hằng Thứ hai, ngày 02/09/2024 08:47 AM (GMT+7)
Đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam đã giúp Việt Nam giữ vững hòa bình, độc lập và tiếp tục phát triển, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia trong một thế giới đầy biến động, tăng cường vị thế của Việt Nam và khiến bạn bè thế giới nể phục.
Bình luận 0

Tăng cường vị thế

Cuối tháng 8/2024, chuyến thăm cấp nhà nước được mong đợi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc đã diễn ra với nhiều hoạt động quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc. Những thỏa thuận quan trọng giữa hai bên đã được ký kết, trong đó hai bên nhất trí triển khai mạnh mẽ việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược đề ra năm 2023, mở ra tầm vóc mới cho quan hệ hai nước.

gop/Giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước, ngày 19/8/2024. Ảnh: TTXVN

Trong môi trường quốc tế bất định, bất an hiện nay, Việt Nam càng giữ vững một tâm thế tự chủ, độc lập trước mọi biến động của tình hình, không ngả nghiêng, dao động, không chịu bất kỳ sức ép bên ngoài nào, giữ đối sách thận trọng, mềm dẻo và khôn khéo để duy trì quan hệ cân bằng.

"Chuyến thăm đã thành công rất tốt đẹp, là hoạt động quan trọng triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, trong đó có chính sách coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc" - Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu. "Những thỏa thuận cấp cao và kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm sẽ tiếp tục góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra".

Đánh giá của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cũng thể hiện bức tranh chung về mối quan hệ của Việt Nam với tất cả các nước. Liên tiếp trong chưa đầy mặt năm qua, chúng ta đón tiếp lãnh đạo các cường quốc lớn nhất thế giới đến Việt Nam: Tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden, tháng 12/2023 là Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, tháng 6/2024 là Tổng thống Nga Putin.

Bên cạnh đó, năm 2022 là chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc và còn rất nhiều các chuyến thăm quan trọng khác. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII (tháng 2/2021) đến cuối năm 2023, các lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước và đón tiếp gần 50 lãnh đạo các nước đến Việt Nam.

gop/Giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ - Ảnh 2.

Vào lúc 24 giờ ngày 20/7/1954 (giờ Geneve), tức sáng 21/7/1954 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. Ảnh: tư liệu TTXVN

Có thể nói, Việt Nam đã hội đủ tiền đề nội lực để có thể phát huy thế mạnh, bảo đảm sự tự chủ trong các quyết sách liên quan đến vận mệnh phát triển và an ninh của đất nước, tạo cho Việt Nam cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao.

Với tâm thế độc lập tự chủ, Việt Nam đã việc không để các quốc gia khác can thiệp vào công việc nội bộ của mình, và giữ vững lập trường trong các vấn đề quốc tế theo hướng bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc. Độc lập, tự chủ không đồng nghĩa với biệt lập, mà Việt Nam đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, cân bằng các mối quan hệ , góp phần tạo dựng, duy trì, củng cố và gìn giữ môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển.

Một cách cụ thể, sự tin tưởng lẫn nhau trong lĩnh vực chính trị được tiếp nối với hàng trăm thỏa thuận đầu tư kinh doanh, hợp tác trong mọi lĩnh vực đã được ký kết, đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân hai bên.

Từ bài học lịch sử đến một thế giới biến động

Trong suốt chiều dài lịch sử, những bài học về tinh thần độc lập, tự chủ đã trở thành một nguyên tắc bất biến của Việt Nam. Năm nay kỷ niệm 70 năm đàm phán ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Các nhà nghiên cứu nhận định, bài học lớn nhất từ Hiệp định Geneve 1954 là tinh thần độc lập tự chủ, kiên quyết kiên trì bảo về lợi ích quốc gia dân tộc.

Hội nghị Geneve là lần đầu tiên Việt Nam tham dự một cuộc đàm phán quốc tế, tập hợp 4 nước lớn nhất lúc đó trong quan hệ quốc tế là Anh, Mỹ, Pháp, Liên Xô, cộng thêm cả Trung Quốc.

Đại sứ Dương Văn Quảng - Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết: Các nước lớn dàn xếp, triệu tập và mời các bên tham gia hội nghị Geneve, phương thức giải quyết vấn đề do họ quyết định, những vấn đề cần giải quyết cũng do họ quyết và dàn xếp với nhau. Với sự can thiệp và quyết định của các nước lớn vào gần như toàn bộ các vấn đề của hội nghị như vậy, chúng ta giành được những kết quả quan trọng trên bàn hội nghị và đi tới ký kết được Hiệp định Geneve. Đó là lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương.

Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã một lần nữa khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: Mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam đã công nhận.

"Bài học từ các hội nghị đó là tư duy độc lập, tự chủ trong ngoại giao. Có tư duy đó mới thấy được chính ta, thấy được đối phương, thấy được các nước lớn, thấy được thế giới"- Đại sứ Dương Văn Quảng nói.

Phát huy những bài học của lịch sử từ khi giành được độc lập dân tộc cho đến nay, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay".

Từ một nước bị chiến tranh tàn phá và sau gần 30 năm bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, tham gia 16 hiệp định thương mại tự do.

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó với 30 nước là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Đó là những thành tựu mà bất kỳ người Việt Nam cũng tự hào và khiến bạn bè quốc tế nể phục.

Thế giới đang trong ngã rẽ của những biến chuyển liên quan đến cạnh tranh nước lớn cũng như những điều chỉnh chính sách của họ, Mọi động thái của các cường quốc đều ảnh hưởng, chi phối đến sự vận động, phát triển của thế giới.

Trong môi trường quốc tế bất định, bất an đó, Việt Nam càng giữ vững một tâm thế tự chủ, độc lập trước mọi biến động của tình hình, không ngả nghiêng, dao động, không chịu bất kỳ sức ép bên ngoài nào, giữ đối sách thận trọng, mềm dẻo và khôn khéo để duy trì quan hệ cân bằng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem