Kiến thức bổ ích từ khóa tập huấn nghiệp vụ khuyến nông cộng đồng
Đây là khóa tập huấn ngắn hạn cho các cán bộ khuyến nông cộng đồng của các tỉnh thành. Buổi tập huấn nhằm phục vụ cho đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn và đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông của Bộ NNPTNT.
Khóa tập huấn có 63 cán bộ khuyến nông tham gia trực tiếp và 80 cán bộ khuyến nông thông qua trực tuyến.
Các khóa tập huấn dài hạn, chuyên sâu sẽ được tổ chức sau đó, gắn liền trực tiếp tại các địa phương tham gia đề án phát triển vùng nguyên liệu.
Chia sẻ tại buổi tổng kết, anh Nguyễn Văn Kiên, Quản lý Trạm khuyến nông huyện Ea kar (tỉnh Đăk Lăk) cho biết, đây là khóa học bổ ích.
Thông qua 11 chuyên đề khác nhau, cán bộ khuyến nông nắm bắt rõ hơn kỹ năng, vai trò của mình gắn liền với nhiệm vụ phát triển vùng nguyên liệu, nông nghiệp số, kinh tế tập thể, kinh tế thị trường...
Nhiệm vụ của cán bộ khuyến nông cộng đồng sắp tới sẽ rất nặng nề. Anh Kiên cũng cho biết, thông qua khóa học, những gì bị đứt gãy lâu nay trong công tác khuyến nông bộc lộ rõ hơn.
Thực tế ở nhiều tỉnh, nhiều huyện, công tác khuyến nông không còn duy trì được đúng tên gọi "khuyến nông".
Cách đặt tên đơn vị khuyến nông cũng không còn thống nhất, có nơi là Trung tâm dịch vụ kỹ thuật, có nơi lại Trung tâm dịch vụ khuyến nông...
Anh Kiên đề nghị, cần đồng nhất tên gọi để công tác khuyến nông được thông suốt từ trung ương xuống tới tỉnh, huyện và từng cơ sở.
Chia sẻ ý kiến này, ông Trần Minh Tâm - cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An cho biết, trước đây, trạm khuyến nông của huyện thuộc khuyến nông của tỉnh quản lý.
Sau này, Trạm Khuyến nông của huyện do UBND huyện quản lý. Công việc triển khai từ trên xuống cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn.
"Cần thống nhất hệ thống khuyến nông từ cấp tỉnh đến cấp huyện để dễ quản lý và công tác khuyến nông được hiệu quả hơn", ông Tâm đề nghị.
Khắc phục đứt gãy giữa khuyến nông với nông dân
Giải đáp những vướng mắc này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, buổi tổng kết hôm nay không phải là hội nghị toàn ngành khuyến nông, nên không bàn về việc tổ chức bộ máy.
Tổ khuyến nông cộng đồng là mô hình thí điểm để các tỉnh thấy rõ hơn sự cần thiết của công tác khuyến nông ở địa phương.
Mục đích của khóa tập huấn để các cán bộ khuyến nông hiểu rõ hơn ngành nghề và nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.
Nói cách nào đó, khuyến nông là hình thức thực thi chính sách của nhà nước về nông nghiệp, bằng công tác sư phạm và kỹ năng chuyên môn. Qua đó, cán bộ khuyến nông sẽ cùng đồng hành, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho nông dân.
Mục đích cuối cùng là khuyến nông giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và sự sử dụng đa phương pháp nhằm phát triển ở khu vực nông thôn.
Nghĩa là, công tác khuyến nông cộng đồng sắp tới sẽ không đơn thuần chỉ là chuyển giao, giảng dạy kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Mà cán bộ khuyến nông còn tham gia các lĩnh vực, liên quan đến cả y tế, giáo dục... ở nông thôn.
Từ những nhiệm vụ này, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh: "Sự đứt gãy về tổ chức bộ máy khuyến nông không quan trọng bằng sự đứt gãy giữa cán bộ khuyến nông với nông dân".
Việc tham gia khóa tập huấn khuyến nông cộng đồng là để phục vụ cho 2 đề án thí điểm của Bộ NNPTNT.
Và chính các cán bộ trực tiếp tham gia tổ khuyến nông cộng đồng sẽ làm nổi bật vai trò của mình tại thực tiễn địa phương. Từ đó sẽ có những cơ sở cần thiết để tiếp tục góp ý sửa đổi chính sách.
Hiện tại, các cán bộ khuyến nông cho đến lãnh đạo ngành nông nghiệp và lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục phát huy các nội dung trong NĐ 83 về công tác khuyến nông.
Cũng theo thứ trưởng Nam, nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng sẽ gắn liền nhiều hơn đến phát triển nông thôn.
Sắp tới đây, khuyến nông cộng đồng sẽ là 1 trong các chỉ tiêu, được bổ sung vào 47 chỉ tiêu thuộc 19 tiêu chí nông thôn mới.
"Khi đó, tiếng nói của ngành khuyến nông sẽ có vai trò, trọng lượng hơn trong việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn", thứ trưởng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.