Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá mô hình tổ KNCĐ là bản lề, mang tính bước ngoặt cho hoạt động của ngành.
Năm 2020, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) là đơn vị đầu tiên xuất khẩu cà phê theo Hiệp định EVFTA. Thế nhưng, ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp đánh giá, việc phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn để xuất khẩu không hề đơn giản.
Do đó, khi Bộ NNPTNT triển khai đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, ông Hiệp cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn. Công ty Vĩnh Hiệp cũng là đơn vị được chọn tham gia đề án lần này.
"Tuy nhiên, để phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn, công tác khuyến nông cũng phải hiệu quả hơn" - ông Hiệp nói. Từ lâu, Công ty Vĩnh Hiệp đã kết nối với lực lượng khuyến nông tại địa phương.
Tuy nhiên vùng nguyên liệu của công ty trải dài trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên, do đó việc liên kết lực lượng khuyến nông để hướng nông dân trồng cà phê đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (DN) còn nhiều hạn chế.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời cho rằng tổ chức hiệu quả mô hình khuyến nông trên các vùng nguyên liệu là việc mà ngành nông nghiệp đã và đang làm.
Lần này, công tác khuyến nông được tổ chức lại thành đề án bài bản nên DN rất đồng lòng ủng hộ. Xây dựng vùng nguyên liệu xuất phát từ nhu cầu thực tế của DN và phải do DN tổ chức, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Công ty Vĩnh Hiệp đang có 38 cán bộ, nhân viên phát triển chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Lực lượng này là không đủ.
Ông Hiệp hy vọng, mô hình KNCĐ sẽ giúp Vĩnh Hiệp giảm bớt áp lực nhân sự cho công ty. Nhưng để mô hình KNCĐ hoạt động hiệu quả, Bộ NNPTNT cần có thêm chính sách hỗ trợ, để họ không nghĩ: Chỉ làm công ăn lương.
Ông Hiệp đề nghị, chính công ty sẽ thuê dịch vụ khuyến nông và trả lương để cán bộ khuyến nông hỗ trợ tốt hơn cho DN. Họ sẽ trực tiếp làm việc với các nông dân, HTX đang liên kết với Vĩnh Hiệp.
Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh, với diện tích 98.000ha; sản lượng 257.000 tấn/năm. Dù đang nỗ lực thực hiện chương trình tái canh, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng nhìn chung, chất lượng cà phê còn thấp, xuất thô còn nhiều.
Ông Kpă Thuyên đồng tình với 2 đề án phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao chất lượng khuyến nông, đồng thời đề nghị Bộ NNPTNT sớm có hướng dẫn triển khai: "Bộ NNPTNT cũng cần có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho lực lượng KNCĐ. Có như thế mới tạo động lực để họ gắn bó hơn với nông dân, HTX và là cầu nối thiết thực cho DN".
Cấp thiết nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thừa nhận, hệ thống khuyến nông ở địa phương, có nơi làm tốt, có địa phương đang bị đứt gãy, hoặc đang lúng túng trong việc duy trì hoạt động.
Đề án án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông triển khai trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu; gắn liền mật thiết với đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn.
"Chủ trương thí điểm tổ KNCĐ là rất cần thiết và phù hợp trong giai đoạn chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt là đa dạng nhiệm vụ khuyến nông, hỗ trợ HTX, liên kết sản xuất của HTX với DN".
Ông Nguyễn Văn Sáng -
đại diện Tổ KNCĐ tỉnh Kiên Giang
Theo tinh thần của Bộ NNPTNT, đề án này nêu rõ yếu tố thu nhập cho cán bộ khuyến nông, giúp cán bộ khuyến nông bỏ qua "vấn đề tế nhị" khi họ làm tốt, được thưởng cao.
Yêu cầu cao hơn ở lực lượng khuyến nông từ các DN, các địa phương là chính đáng. Đây cũng là mục tiêu mà Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng đến. Mục tiêu của tổ KNCĐ là hạn chế tối thiểu ngân sách nhà nước, tăng cường hợp tác công tư, đáp ứng được nhu cầu DN và thị trường.
"Trung tâm mong muốn các DN cùng liên kết, và đặt hàng lại cho Trung tâm theo nhu cầu thực tế của mình. Từ đó các bên sẽ có những cam kết cụ thể, cùng nhau xúc tiến tổ KNCĐ" - ông Thanh nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Nghị định 83 về phát triển công tác khuyến nông có nội dung đẩy mạnh xã hội hóa. Trước nhu cầu thực tế của nông dân, HTX và DN, đòi hỏi phải có đội ngũ khuyến nông đủ năng lực: "Đội ngũ này phải gắn bó trực tiếp với người dân, chứ tiến sĩ khuyến nông mà ngồi bàn giấy cũng không giải quyết được vấn đề".
Theo Bộ NNPTNT, cán bộ khuyến nông cộng đồng sẽ khác với cán bộ khuyến nông của DN; khác với cán bộ tư vấn dịch vụ đơn thuần.
Cán bộ khuyến nông cộng đồng không chỉ là cán bộ kỹ thuật chỉ biết cây, con mà còn biết cả kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, tổ KNCĐ có 3 nhiệm vụ cơ bản: Truyền tải thông tin, định hướng ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương; tiếp thu kiến thức để bổ trợ cho nhiệm vụ đa chức năng tại địa phương. Và cuối cùng là liên kết chặt chẽ với DN thông qua công tác dịch vụ khuyến nông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.