Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.
Tác giả Max Boot nhận định trên Foreign Policy, Philippines đang có những thay đổi chóng mặt trong chính sách đối ngoại, kể từ khi ông Duterte trở thành tổng thống. Điều này đã làm thay đổi cơ bản quan hệ Mỹ-Philippines và trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Philippines là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á và gần đây đã trở thành một trong những đồng minh thân cận nhất. Mỹ cai trị Philippines từ những năm 1899-1942 và áp đặt nền văn hóa Mỹ lên quần đảo này.
Trong Thế Chiến 2, quân đội Mỹ và Philippines cùng chiến đấu chống đế quốc Nhật. Năm 1951, Washington và Manila ký hiệp ước phòng thủ chung.
Quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện tại căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic ở Philippines cho đến năm 1991.Nằm trong kế hoạch xoay trục sang châu Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2014 đã ký thỏa thuân hợp tác quân sự, cho phép quân đội Mỹ được luân phiên điều đến căn cứ ở Philippines cũng như tăng cường hợp tác và huấn luyện.
Giờ đây những thành tựu đó đã khiến Mỹ rơi vào ngõ cụt. Thăm Trung Quốc, Duterte tuyên bố “ly thân” với Mỹ cả về quân sự và kinh tế. Ông Duterte cũng nhắc đến liên minh mới bao gồm Philippines, Trung Quốc và Nga. “Cả 3 chúng tôi sẽ chống chọi lại thế giới”, ông Duterte nói.
Quân đội Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung.
Thỏa thuận thương mại trị giá 13 tỷ USD ký giữa Philippines và Trung Quốc dường như là món quà khá hời cho sự thay đổi này. Ông Duterte cũng nhắc đến việc sớm chấm dứt hợp tác với Mỹ, bất chấp phản đối của lực lượng quân sự.
Nếu xét về mặt kinh tế, chiến lược và lợi ích kinh tế của Manila hầu như không thay đổi dù tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Đối tác thương mại lớn nhất của Philippines là Nhật Bản, thứ hai mới là Trung Quốc còn Mỹ đứng thứ 3. Tổng cộng, 42,7% sản lượng hàng hóa Philippines xuất khẩu được gửi đến Nhật Bản, Mỹ, Singapore so với mức 10,5% đến Trung Quốc và 11,9% đến Hong Kong.
Ở chiều ngược lại, Philippines nhập khẩu 16,1% hàng hóa từ Trung Quốc và hầu hết số còn lại đến từ Mỹ, đồng minh. Do đó, kinh tế không hẳn là vấn đề khiến cho Manila muốn rời xa Mỹ, xích lại gần hơn Bắc Kinh, tác giả Max Boot nhận định.
Trong khi đó, không có gì đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ chấm dứt vi phạm chủ quyền Philippines ở Biển Đông, theo phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực hồi tháng 7. Nét văn hóa Mỹ ở Philippines cũng không dễ gì thay đổi. Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ chính ở đất nước này. Quân đội Philippines từ lâu đã hợp tác với Mỹ và xây dựng hình ảnh giống như quân đội Mỹ.
Các binh sĩ Philippines không có kinh nghiệm chiến đấu cùng lực lượng Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ vẫn sẵn sàng bảo vệ quốc gia này bất chấp những phát ngôn gây sốc của ông Duterte.
Ông Duterte đang đặt cược vào quan hệ với Trung Quốc.
Từ quan điểm của Mỹ, việc ông Duterte ngả về Trung Quốc sẽ dẫn đến sự thay đổi chiến lược lâu dài, có khả năng dẫn đến thảm họa. Nếu như Philippines trở thành đồng minh Trung Quốc, Mỹ sẽ khó có thể kết nối “chuỗi đảo thứ nhất” ở Tây Thái Bình Dương, nối liền quần đảo Nhật Bản, Đài Loan và quần đảo Philippines.
Bảo vệ “chuỗi đảo thứ nhất” đã trở thành yếu tố chiến lược của Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Chiến lược này có thể sụp đổ chỉ vì quyết định gây sốc của ông Duterte.
Trung Quốc thậm chí có thể vô hiệu hóa hoàn toàn quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines, đặt căn cứ hải quân Trung Quốc ở quốc gia này để răn đe đồng minh Mỹ như Đài Loan, Nhật Bản và Australia.
Cuối cùng, hải quân Mỹ sẽ khó có thể hoạt động một cách tự do trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Phe đối lập Philippines đã chuẩn bị sẵn sàng khi ông Duterte trở về từ Trung Quốc. Tòa án Tối cao Manila cảnh báo tổng thống liệu có phải muốn từ bỏ chủ quyền với Bãi cạn Scarborough hay không.
Những gì mà Mỹ còn có thể hy vọng là người kế nhiệm ông Duterte trong tương lai sẽ đảo ngược lại chiến lược đối ngoại, vốn đang đẩy Washington xa khỏi Manila, tác giả Max Boot kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.