E ngại làng nghề gây ô nhiễm môi trường, TP.HCM ra tay dọn dẹp

Trần Thế Chủ nhật, ngày 29/09/2024 09:31 AM (GMT+7)
Nhằm bảo vệ môi trường làng nghề muối trên địa bàn, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã đưa ra nhiều giải pháp.
Bình luận 0

Theo đó, huyện Cần Giờ đã đề xuất danh mục dự án ưu tiên và nguồn vốn đầu tư làng nghề muối tại ấp Tân Điền (xã Lý Nhơn), giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 – 2030 nhằm phát triển làng muối và bảo vệ môi trường làng nghề, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

E ngại làng nghề gây ô nhiễm môi trường, TP.HCM ra tay dọn dẹp - Ảnh 1.

Thu hoạch muối tại Làng nghề muối Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Ảnh: T.Đ

Đầu tư bảo vệ môi trường làng nghề

Theo đánh giá, việc sản xuất muối có thể gây nhiễm mặn tràn lan. Thậm chí, ô nhiễm đất, nước và không khí nếu không có biện pháp bảo vệ ô nhiễm môi trường tại làng nghề.

Thời gian qua, huyện Cần Giờ đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho làng muối, như hệ thống giao thông nội đồng vận chuyển muối, hệ thống thủy lợi cấp thoát nước, hệ thống điện.

Triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như mô hình muối trải bạt, mô hình trữ nước chạt, máy lăn khuôn muối, máy chế biến muối.

Cùng với đó, là triển khai các chính sách, như hỗ trợ lãi xuất vay vốn cho diêm dân, hỗ trợ hợp tác tiêu thụ muối, đào tạo nghề làm muối trải bạt, khuyến diêm (hỗ trợ bạt nhựa, hồ trữ nước chạt), tập huấn, tham quan, học tập các mô hình sản xuất muối tiên tiến tại các tỉnh lận cận.

Huyện Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM được quy hoạch sản xuất muối với diện tích khoảng 1.500 ha, chủ yếu là tại xã Lý Nhơn hơn 900 ha và xã Thạnh An là 200 ha.

Từ năm 2010 đến nay, nghề làm muối trên địa bàn huyện Cần Giờ có sự chuyển biến đáng kể, người dân từng bước chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống (kết tinh trên nền đất) sang sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải bạt. Diện tích đất đưa vào sản xuất hằng năm đạt trên 1.550 ha, năng suất bình quân trên 43 tấn/ha.

Xử lý triệt để rác thải làng nghề

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP, giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, có bảo vệ môi trường ở các làng nghề trên địa bàn.

Trong đó, chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 sẽ có 100% chất thải rắn và 100% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định.

E ngại làng nghề gây ô nhiễm môi trường, TP.HCM ra tay dọn dẹp - Ảnh 2.

Phơi nhang tại Làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh. Ảnh: T.Đ

Để thực hiện Kế hoạch, TP đã giao Sở NNPTNT TP chủ trì, phối hợp các Sở ngành, UBND các huyện, các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung về hỗ trợ bảo vệ môi trường làng nghề.

Theo đó, sẽ lập và triển khai phương án bảo vệ môi trường; xây dựng, sửa chữa, cải tạo hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề…

Đồng thời, tuyên truyền, vận động cơ sở ngành nghề nông thôn phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 2022 – 2025, TP.HCM xác định bảo tồn và phát triển 5 làng nghề, gồm: Làng nghề bánh tráng, làng nghề đan đát, làng nghề se nhang, làng nghề muối, làng mai Bình Lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem