Ecuador: Bộ tộc có bàn chân biến dạng với thời trang kiểu Adam và Eva
Thứ ba, ngày 06/07/2021 04:58 AM (GMT+7)
Mỗi dân tộc đều có một phong tục truyền thống mang bản sắc riêng của mình, nếu như cư dân bộ tộc Himba thích để ngực trần, chỉ quấn một chiếc khăn da bò nhỏ che phần nhạy cảm thì cư dân bộ tộc Huaorani lại có tục lệ che cơ thể bằng bộ "bikini" làm từ lá cây.
Huaorani (hay người Waorani, người Waos) là bộ tộc da đỏ có khoảng 4.000 người sinh sống ở thượng nguồn Amazon, Ecuador. Cuộc sống của người Huaorani gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Săn bắn, hái lượm là phương thức chủ yếu để họ tồn tại.
Trang phục của người Huaorani rất đơn giản, đó là loại quần áo được làm từ những sợi cotton tự nhiên và buộc xung quanh những vùng kín trên cơ thể, được gọi là Komi. Những sợi dây này nhằm giữ cho dương vật của người đàn ông luôn thẳng đứng. Komi được xem như một thứ năng lượng vô biên và biểu hiện quyền lực của người đàn ông.
Phụ nữ và trẻ em cũng mặc Komi nhưng những sợi dây này mảnh mai hơn so với của người đàn ông. Những cô gái trẻ, thay vì mặc Komi, họ sẽ dùng những chiếc lá để che chỗ nhạy cảm trên cơ thể.
Không chỉ mặc những bộ "bikini" hút mắt làm từ lá cây, phụ nữ Huaorani cũng rất thích làm đẹp. Họ thường đục lỗ tai của mình và đeo những khuyên thật to. Lý do là bởi theo họ, lỗ tai càng to thì người phụ nữ càng quyến rũ. Ngoài ra họ cũng thường trang điểm bằng những màu vẽ quanh mắt.
Vì thức ăn của bộ tộc Huaorani chủ yếu là thịt khỉ, heo rừng, chim toucan, nên họ có biệt tài leo cây và phóng phi tiêu điêu luyện. Cũng vì biệt tài leo cây nên đàn ông của bộ tộc Huaorani có bàn chân biến dạng.
Lòng bàn chân những người này đều rất phẳng, đa phần có sáu ngón. Một số người còn có sáu ngón tay. Nhiếp ảnh gia người Anh, Pete Oxford, người thực hiện bộ ảnh cho biết, người Huaorani có khả năng thay đổi để thích nghi với môi trường sống rất cao.
"Khi đến những bộ lạc thế này, tôi luôn ý thức rằng tôi mới chính là kẻ kỳ lạ, chứ không phải họ", ông Oxford chia sẻ cách tiếp cận người Huaorani để chụp hình.
Bộ lạc này đôi khi còn có tên Waorani hay Waos. Họ sử dụng ngôn ngữ rất riêng biệt, thậm chí không có nét nào tương đồng với tiếng Quechua thường được dùng ở Ecuador.
Đối với bộ tộc Huaorani, rừng có một vị trí vô cùng thiêng liêng. Họ coi toàn bộ thế giới là một khu rừng lớn, rừng chính là ngôi nhà tiện nghi nhất nên họ không cần phải làm nhà gì nữa mà chỉ cần sống trong những túp lều bằng cọ và lá dừa mà thôi.
Từ 40 năm trở lại đây, người Huaorani đã chuyển dần từ cuộc sống du canh du cư sang sinh sống cố định. Cùng với đó, chính phủ Ecuador cũng đã tìm nhiều biện pháp để đưa văn minh đến với cuộc sống của họ nhưng người Huaorani vẫn không muốn tiếp nhận bất kì thứ gì từ xã hội bên ngoài. Họ chỉ muốn giữ vững cuộc sống biệt lập của mình mà thôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.