Theo "Công dương truyền" ghi chép, vào thời nhà Chu, hoàng đế không được phép gả con gái của mình cho người trong cùng gia tộc nên chỉ có thể gả cho chư hầu. Vào thời đó, chư hầu được phân thành 5 tước vị: Công, hầu, bá, tử, nam.
Công chúa là người có tước vị cao quý và mang dòng máu của hoàng gia nên việc hôn sự rất được triều đình coi trọng. Đa phần những người kết hôn cùng công chúa phải có quyền lực rất lớn nếu không phải là kết hôn liên giao giữa các quốc gia thì cũng là với chư hầu có địa vị cao.
Hôn nhân của công chúa có hai cách gọi: Một là "thượng công chúa", hai là "tướng tần". Cách gọi đầu tiên vốn là để chỉ việc phò mã được gả vào phủ công chúa, cách gọi sau là công chúa gả về phủ của phò mã.
Đưa cung nữ đến "sống thử" cùng phò mã
Theo cuốn "Dạ yến tại nhà mới của công chúa An Lạc" ghi chép, công chúa là con của hoàng đế, họ luôn được sống trong gấm lụa ngọc ngà, nhận được sự giáo dục tốt nhất. Đương nhiên, các vị hoàng đế sẽ không muốn con gái mình phải chịu ấm ức khi lấy chồng nên thời đó, triều đình ban hành chế độ "thử hôn".
Thử hôn có nghĩa là trước khi kết hôn, họ sẽ thử chung sống với nhau. Tuy nhiên cách thức này không giống với chúng ta ngày nay,người sống thử với phò mã không phải là công chúa mà là cung nữ thân tín của nàng. Cung nữ được chọn sẽ qua phủ phò mã sống thử.
Theo đó, cung nữ này sẽ được coi là người đại diện cho công chúa đến phủ phò mã và chung sống với phò mã như vợ chồng chính thức. Nếu như mọi chuyện đều hợp lý thì công chúa mới chính thức được gả đi.
Cung nữ theo hầu hạ bên cạnh công chúa có rất nhiều nhưng không phải người nào cũng có đủ tư cách để "sống thử" với phò mã. Trước hết, người trong cung sẽ soi xét hết sức kỹ càng để chọn ra cung nữ phù hợp yêu cầu. Cung nữ được chọn phải rất khỏe mạnh, cơ thể không được có bệnh tật, nhất thiết phải là trinh nữ. Về diện mạo của cung nữ đó không cần quá coi trọng, họ thường chọn những người có dung mạo kém hơn so với công chúa để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này.
Yêu cầu đặc biệt đối với vị cung nữ này là phải biết quan sát tỉ mỉ. Vì khi qua phủ phò mã, vị cung nữ này phải chịu trách nhiệm quan sát tình trạng sức khỏe, cách hành xử, gia cảnh trong phủ, phép tắc gia môn của phủ phò mã… Sau đó mỗi một sự việc quan sát được đều phải bẩm báo lại đầy đủ.
Ấn định trước bi kịch cuộc đời
Thế nhưng, cung nữ được chọn "sống thử" với phò mã thay chủ tử của mình thường khó tránh khỏi việc cuộc đời sau này gặp vô số bi kịch. Để lý giải cho lập luận này, chúng ta cần xét tới 2 trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất, nếu công chúa cảm thấy mình và phò mã không hợp thì vị cung nữ được cử sang sẽ bị coi như "vật hy sinh" thay cho chủ tử chịu đựng những đau khổ. Hơn nữa, trong quá trình sống thử với phò mã, các cung nữ khó tránh khỏi việc mang thai. Khi có con, họ sẽ trở thành thân phận thiếp ở trong phủ; tuy nhiên, cuộc sống của họ không thay đổi, thậm chí các cung nữ này sẽ không có chút quyền lực nào, còn phải chịu sự khinh thường của mọi người.
Trường hợp thứ hai là khi công chúa chấp nhận gả qua phủ phò mã. Khi này, cung nữ đã từng chung sống với phò mã cũng sẽ ở lại để hầu hạ chủ tử của mình. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày giữa họ sẽ khó tránh khỏi đụng mặt, từ đó sẽ nảy sinh nhiều tình huống khó xử. Thậm chí, cho dù, người cung nữ nhận được sự sủng ái của phò mã thì ngày tháng sau này cũng khó sống vì đã làm phật ý công chúa.
Ngoài ra, các cung nữ có thể lựa chọn một cách khác đó là "xuất phủ". Nhưng so với việc sống khổ cực ở bên ngoài thì nhiều cung nữ quyết định ở lại trong phủ sống một cuộc sống gượng gạo, cúi đầu.
Như vậy, có thể thấy, việc bị chọn làm người thế thân là điều mà rất nhiều cung nữ không mong muốn. Tuy rằng trong thời gian ở trong phủ phò mã, họ có thể sống dưới danh phận của công chúa sống để được kẻ hầu người hạ nhưng sự sung sướng đó chẳng kéo dài lâu. Và cho dù công chúa có chấp nhận gả cho phò mã hay không thì họ vẫn luôn là vật hy sinh, và ấn định sẵn cuộc đời sau này không mấy vui vẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.