Đảng Nhân dân Tây Ban Nha (PP) với ứng cử viên Thủ tướng Mariano Rajoy đã đánh bại Đảng Xã hội của Thủ tướng Jose Zapatero và lại trở thành đảng cầm quyền sau hai nhiệm kỳ ở phe đối lập. Thắng cử này có lý do chính ở sự không hài lòng của cử tri về Thủ tướng Zapatero và Đảng Xã hội, ở ý muốn của cử tri dùng lá phiếu để trừng phạt Đảng Xã hội và ông Zapatero chứ nào đâu đã thực sự tin tưởng vào Đảng PP và ông Rajoy. Họ không chấp nhận tiếp tục cái cũ cho dù chưa biết cái mới rồi đây sẽ như thế nào.
Đúng là Đảng Xã hội và Thủ tướng Zapatero đã thất bại trong việc ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng tài chính và kinh tế, nhưng cả trong cương lĩnh tranh cử của Đảng PP và mọi thể hiện quan điểm cá nhân của ông Rajoy đều không ẩn chứa ý tưởng hay định hướng giải pháp nào khả dĩ hơn. Đúng là gió đã đổi hướng và xoay chiều trên chính trường và trong lòng nội bộ xã hội ở Tây Ban Nha nhưng cả trong và ngoài đất nước này đều chẳng có ai dám chắc gió mới ấy rồi sẽ thổi về đâu.
Sự thay đổi Chính phủ ở Tây Ban Nha cũng còn là hệ lụy của cuộc khủng hoảng chung trong EU. Chưa khi nào trong lịch sử EU lại có nhiều chính phủ ở các nước thành viên bị thay đổi trong thời gian ngắn đến như vậy vì cùng lý do là khủng hoảng tài chính và kinh tế. Cho nên sự thay đổi chính phủ này cũng còn biểu hiện cho việc EU chưa thoát khỏi khủng hoảng, chưa có được giải pháp lâu bền cho những vấn đề hiện đang phải xử lý. Cho nên cả đối với EU cũng có thể đánh giá và dự báo tương tự như đối với Tây Ban Nha.
Huệ Như
Vui lòng nhập nội dung bình luận.