EU hỗ trợ Việt Nam kiểm soát thực phẩm biến đổi gen
Kiểm soát thực phẩm biến đổi gen, chuyên gia EU khuyến nghị Việt Nam điều gì?
Khương Lực
Thứ tư, ngày 14/09/2022 11:45 AM (GMT+7)
GS. Patrick Deboyser - Trường Đại học Parma Châu Âu - cho biết, để trái cây Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU), các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy định bắt buộc của EU, trong đó có quy định về kiểm soát đối với thực phẩm biến đổi gen (GMO).
Ngay khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định EVFTA được kỳ vọng hỗ trợ tăng xuất khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt nam vào EU trong vòng 5 năm tới.
Nhiều mặt hàng rau, quả là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trong những năm tới. Ảnh: V.G
Theo Bộ NNPTNT, kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản hai chiều Việt Nam - EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ USD năm 2020, đạt 5,2 tỷ USD năm 2021. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, con số này đã đạt 2,66 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ. Trong đó, cà phê, thủy sản, tiêu, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đà phục hồi và tăng rất ấn tượng.
Với 27 nước thành viên và kim ngạch nhập khẩu hàng năm đạt gần 2.000 tỷ USD, trong đó nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng 8,3%, EU là thị trường có dung lượng nhập khẩu nông sản rất cao. Tuy nhiên, sản phẩm của nước ta vẫn phải đối mặt với những tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu khắt khe từ các nước EU.
Nhằm giúp các cơ quản quản lý, người dân và các doanh nghiệp của Việt Nam hiểu rõ hơn về vấn đề này, vào 29/8/2022, Dự án hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam (ARISE+ Việt Nam) do EU tài trợ đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) tổ chức hội thảo: "Rà soát quy định của EU đối với sản phẩm biến đổi gen (GMO) nhập khẩu vào EU để đánh giá tác động của quy định đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam".
GS. Patrick Deboyser, Trường Đại học Parma Châu Âu, đồng thời là chuyên gia dự án cho biết, theo quy định, hàng trái cây muốn xuất khẩu vào thị trường các nước EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về: an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất gây ô nhiễm trong thực phẩm, kiểm dịch thực vật, kiểm soát đối với thực phẩm biến đổi gen (GMO), kiểm soát sức khỏe thực vật, ghi nhãn thực phẩm, tiếp thị cho quả tươi, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ và trách nhiệm trong thực phẩm.
Dự án hỗ trợ liên quan đến thương mại dành cho Việt Nam (ARISE+ Việt Nam) do EU tài trợ đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) tổ chức hội thảo: "Rà soát quy định của EU đối với sản phẩm biến đổi gen (GMO) nhập khẩu vào EU để đánh giá tác động của quy định đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam", diễn ra ngày 29/8/2022. Ảnh: Cục BVTV
GS. Patrick Deboyser cho biết, đây là những quy định bắt buộc của EU, nếu các quốc gia không tuân thủ sẽ bị trả lại hoặc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng không tuân thủ.
Ông lấy ví dụ năm 2009 và năm 2011, EU đã phải áp dụng biện pháp khẩn cấp để tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với gạo nhập khẩu từ Trung Quốc và yêu cầu các lô hàng phải kèm theo giấy chứng nhận chứng minh không có gạo biến đổi gen chưa được cấp phép hay như năm 2014 đoàn thanh kiểm tra của EU đã đến Thái Lan để kiểm tra đu đủ biến đổi gen của nước này.
"Sau khi cơ quan chức năng của Việt Nam đã có được thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về các trường hợp có thể có trái cây biến đổi gen trái phép được nhập khẩu hoặc trồng trên lãnh thổ của mình, các cơ quan chức năng cần xây dựng một chiến lược giám sát với các sản phẩm này cũng như xây dựng kế hoạch lấy mẫu phù hợp với từng loại được cho là phải kiểm tra phát hiện biến đổi gen.
Đặc biệt phải lấy mẫu tại các trang trại cũng như tại cơ sở chế biến và đóng gói. Trường hợp không có sẵn phương pháp thử nghiệm quốc tế đã được kiểm chứng thì cần xây dựng phương pháp kiểm tra dựa trên việc kiểm tra hạt giống, lá tươi, trái cây và các sản phẩm chế biến" - GS Patrick Deboyser khuyến nghị.
Ông Chris Oates, Chuyên gia chính hợp phần SPS về các tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật, thuộc dự án ARISE+ Việt Nam cho rằng, việc EU đưa ra những quy định khắt khe như vậy nhằm kiểm soát được các sản phẩm có hại cho sức khoẻ con người. Thông qua dự án này, phía EU cũng mong muốn tăng cường việc tuân thủ các tiêu chuẩn về vệ sinh và kiểm dịch thực vật để nâng cao tính an toàn của nông sản và thực phẩm Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho xuất khẩu sang EU.
"Tôi nghĩ rằng các quy định về an toàn thực phẩm rất là quan trọng nhưng hệ thống truy xuất của Việt Nam vẫn đang là vấn đề. Tôi được biết Việt Nam đang xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc thì tôi nghĩ rằng đây là hệ thống có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và phát hiện ra các sản phẩm biến đổi gen.
Ngoài ra cũng cần phải tăng cường hiểu biết của người dân cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình sản xuất của người dân cũng như các biện pháp để phát hiện ra các sản phẩm biến đổi gen" – ông Chris Oates nói.
Tại hội thảo, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, những hỗ trợ của dự án ARISE+ Việt Nam liên quan rất nhiều đến sản xuất nông sản của Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thông qua dự án, họ đã có thêm nhiều thông tin quan trọng về yêu cầu an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật của EU đối với của sản phẩm thực vật biến đổi gen nhập khẩu từ các nước không thuộc khối EU nói chung, trong đó có Việt Nam nói riêng.
Dự án ARISE+ Việt Nam đã và đang giúp cho Việt Nam tiếp cận thị trường EU một cách chủ động và tích cực nhất. Hoạt động SPS 8 của dự án về GMO đã góp phần nâng cao nhận thức về các mối nguy đối với hàng nhập khẩu không chính thức có nguồn gốc thực vật biến đổi gen từ các nước khác vào Việt Nam để có các biện pháp quản lý rủi ro, bảo vệ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Việt Nam cũng đang từng bước cải thiện chất lượng nông sản xuất khẩu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường EU. Theo quy định của Việt Nam, tất cả thực phẩm và nguyên liệu biến đổi gen được dùng để bán tại thị trường đều phải được Bộ NNPTNT đánh giá an toàn và trước khi được ra thị trường, thực phẩm biến đổi gen phải được cấp "Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm".
Tính đến tháng 4/2022, Việt Nam đã cấp 45 Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen có đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có chứa hoặc từ: ngô, đậu tương, hạt cải dầu, củ cải đường, cỏ alfalfa và bông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.