Dù còn một số vấn đề nhỏ về nhân sự, nhưng nhìn chung, cả 16 đội bóng đã sẵn sàng trước "giờ G".
Hiện tại, chấn thương vẫn là sự ám ảnh với nhiều đội bóng. Hàng loạt ngôi sao như Villa, Puyol (Tây Ban Nha), Cahill, Barry, Lampard (Anh), Olic (Croatia)… đã phải ngồi nhà. May mắn hơn một chút, nhưng nhiều danh thủ khác như MVila (Pháp), Fabregas (Tây Ban Nha), Balotelli (Italia), Sneijder (Hà Lan)… cũng phải chạy đua với thời gian để có được thể trạng tốt nhất khi vào giải.
Bóng chưa lăn, nhưng huấn luyện viên Bert van Marwijk của đội tuyển Hà Lan đã nói đùa: “Chúng tôi là đội khổ nhất tại EURO lần này”. Xét về chuyên môn lẫn… địa lý thì ông Marwijk nói chẳng sai chút nào bởi Hà Lan không chỉ rơi vào “bảng tử thần” mà còn lại đội phải di chuyển nhiều nhất tại vòng loại.
Cụ thể, trong 9 ngày đá 3 trận vòng bảng, quãng đường mà đội tuyển Hà Lan phải di chuyển lên tới 8.046km, nhiều nhất trong số 16 đội dự giải. Nhưng đây không phải là chuyện khó hiểu, bởi dù thi đấu ở Ukraine, nhưng đội tuyển Hà Lan lại đóng quân ở Ba Lan. Chẳng riêng “lốc da cam”, ba đội cùng bảng với họ là Đan Mạch, Đức và Bồ Đào Nha cũng sẽ phải di chuyển rất nhiều (không dưới 6.000km) do chọn nơi đóng quân giống Hà Lan.
Ngược lại, nhàn nhã nhất sẽ là đội tuyển Thụy Điển khi họ chỉ phải mất 168km đi lại để đá trận vòng bảng tại Kiev (Ukraine). Nhưng chuyện “lượn lờ” không phải là vấn đề khiến các đội lăn tăn mà yếu tố chiến thuật mới là chủ đề được bàn luận nhiều nhất. Sau các trận giao hữu mang tính thử nghiệm, hầu hết các huấn luyện viên dự giải đều khẳng định, sơ đồ 4-2-3-1 là tối ưu nhất và sẽ được áp dụng triệt để. Huấn luyện viên Del Bosque của đội tuyển Tây Ban Nha còn nói: “Trừ trường hợp bất khả kháng, nếu muốn thành công, đội nào cũng phải đá 4-2-3-1”.
Bên cạnh đó, vấn đề “có thực mới vực được đạo” cũng được tất cả các đội quan tâm. Khẩu vị khác nhau nên đội nào cũng có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để tránh việc các cầu thủ bị “Tào Tháo đuổi” bất đắc dĩ.
Long Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.