Giữa tháng 12/2021, Mai Anh (27 tuổi, làm ngân hàng tại TP.HCM) mắc Covid-19 và khỏi bệnh sau 10 ngày tự điều trị tại nhà. Cứ ngỡ "liều vaccine tự nhiên" này giúp cô tránh khỏi mối lo trước Omicron thì ngày càng nhiều bạn bè xung quanh cô bị tái nhiễm.
Sống trong lo lắng chờ ngày tái nhiễm
Sau khi khỏi Covid-19, Mai Anh mất hơn một tháng để điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt, ăn uống, tập luyện để vượt qua các di chứng hậu Covid-19. Cô mất ngủ và thường xuyên hụt hơi, kiệt sức mỗi khi đi thang bộ.
"Cảm giác hụt hơi mà trước khi dương tính chưa bao giờ có, tôi đoán là hậu Covid-19. Tôi còn bị rụng tóc, da dẻ xuống sắc hơn và rơi vào stress. May mắn là tôi vượt qua được khoảng thời gian này và trở lại nhịp sinh hoạt bình thường", Mai Anh nói.
Mai Anh cùng chồng sống tại phòng trọ ở quận Gò Vấp. Ngày cô mắc Covid-19, chồng tạm chuyển đến nơi khác làm việc để tránh lây nhiễm. Do đó, khi TP.HCM tiếp tục bùng dịch trở lại bởi biến chủng Omicron, Mai Anh bắt đầu lo lắng nguy cơ tái nhiễm, chồng cô thấp thỏm sợ mắc bệnh.
"Tuần trước, tôi đi ăn cùng một đồng nghiệp, hôm sau, cô ấy dương tính. Trùng hợp lúc này tôi lại bị ho, sổ mũi. Tôi lo lắng đến mất ngủ vì trước đó tôi có tiếp xúc mẹ chồng, bà lại lớn tuổi và có bệnh nền", nữ nhân viên kể.
Phạm Thắng (35 tuổi, Đồng Nai), lần đầu mắc Covid-19 vào cuối tháng 12/2021. Sau 14 ngày cách ly tập trung tại cơ quan, anh khỏi bệnh. Tuy nhiên, đầu tháng 3, sau bữa nhậu với người bạn là F0, vợ chồng anh tự test nhanh, kết quả cả 2 dương tính.
"Vợ tôi F0 lần đầu nên lo lắng. Còn tôi F0 lần 2 nên tâm lý khá nhẹ nhàng", Phạm Thắng nói với Zing.
Nhiều người lo lắng đặt câu hỏi về nguy cơ tái nhiễm với F0.
Trên các diễn đàn, hội nhóm tư vấn, điều trị người bệnh Covid-19, nhiều người tỏ ra lo lắng về nguy cơ tái nhiễm.
Trong nhóm bác sĩ và F0 tại nhà, anh Lê Viết Thắng hỏi: "Tôi là F0 đã khỏi bệnh 2 tuần, nay tôi tiếp xúc F0 thì nguy cơ nhiễm có cao không?".
Tài khoản có tên Minh Phạm cùng thắc mắc: "Bác sĩ ơi, em vừa F0 khỏi bệnh đã đi làm, nhưng đồng nghiệp toàn F0 và F1. Vậy có nguy cơ nhiễm lần 2 không?". Ngoài ra, nhiều F0 khỏi bệnh cũng chia sẻ hình ảnh test nhanh 2 vạch lần 2 và các triệu chứng bệnh khi nhiễm Omicron.
Ai cũng có nguy cơ nhiễm chủng Omicron
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM, cho rằng việc tái nhiễm với Omicron có thể xảy ra ở người nhiễm chủng Delta.
Nguyên nhân là 2 biến chủng này có cấu trúc kháng nguyên khác nhau. Do đó, F0 khỏi bệnh dù đã tiêm vaccine, có kháng thể chống lại Delta nhưng kháng thể này không có khả năng miễn nhiễm với Omicron.
"Lời khuyên với người đã khỏi Covid-19 là vẫn áp dụng nguyên tắc phòng ngừa, 5K như trường hợp chưa bị nhiễm. Bởi hiện tại, ai cũng có nguy cơ mắc bệnh", PGS Ngọc nhận định.
Theo Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM, Omicron chủ yếu gây bệnh đường hô hấp trên, có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng, nhẹ hơn khi nhiễm chủng Delta.
Khi virus gây bệnh ở đường hô hấp trên, bệnh nhân ít nguy cơ chuyển nặng so với nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Tỷ lệ bị viêm phổi cũng ít hơn.
"Tuy nhiên, những người lớn tuổi, có bệnh nền, trường hợp bị suy giảm miễn dịch vẫn phải rất cẩn thận với chủng Omicron. Chủng này cũng không 'ngại' tấn công người đã tiêm 3 mũi vaccine. Tuy nhiên, người tiêm 2-3 mũi vaccine biểu hiện bệnh khá nhẹ nhàng", ông nói thêm.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng khoa Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cũng nhận định có nguy cơ tái nhiễm Omicron đối với F0 khỏi bệnh trước đây.
"Phụ trách tổ y tế từ xa và tư vấn cho nhiều F0 tại nhà, tôi nhận thấy có những ca tái nhiễm. Tuy nhiên, những ca bệnh tôi chứng kiến đa số rất nhẹ", bác sĩ Vân Anh nói.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) dẫn lại báo cáo mới nhất của Đại học Hoàng gia London, cho thấy nguy cơ tái nhiễm Omicron cao gấp 5,4 lần so với Delta.
Cụ thể, các nhà khoa học ước tính thời gian giữa 2 lần nhiễm rút ngắn hơn. Thống kê của Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA), từ ngày 1/11-29/12/2021 có 2.855 trường hợp tái nhiễm cách lần một 29-89 ngày.
Theo bác sĩ Phúc, khả năng tái nhiễm các biến chủng được sắp xếp như sau: Vũ Hán < Alpha < Delta < Omicron.
Dựa trên logic về miễn dịch, lần tái nhiễm sau nhẹ hơn lần trước. Số liệu thực tế cũng cho thấy tải lượng virus ở lần tái nhiễm sau thấp. Do đó, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.