F0 tăng mạnh: Đừng lo quá mà tích trữ thuốc điều trị Covid-19 không cần thiết (kỳ 5)
F0 tăng mạnh: Đừng lo quá mà tích trữ thuốc điều trị Covid-19 không cần thiết (kỳ 5)
Diệu Linh - Gia Khiêm
Thứ bảy, ngày 05/03/2022 06:29 AM (GMT+7)
Sợ Covid-19, nhiều người dân đổ xô đi mua các loại thuốc điều trị Covid-19. Nhiều người đã chi hàng chục triệu để mua thuốc kháng virus. Tuy nhiên, chuyên gia y tế nhấn mạnh, chỉ người có nguy cơ cao mới cần sử dụng thuốc kháng virus.
Như Dân Việt đưa tin, tại một số nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội, lợi dụng tâm lý lo lắng của những gia đình có người mắc Covid-19, nhân viên tư vấn đã rao bán là các mặt hàng thuốc điều trị Covid-19, thuốc kháng virus từ Nga, Trung Quốc, Ấn Độ về Việt Nam như Arbidol thành phần là Umifenovir, Areplivir thành phần là Favipiravir.
Một người bán thuốc tại đây cho hay, có thuốc kháng virus của Ấn Độ là Movfor Molnupiravir Capsules 200 mg, một liều có giá 2.800.000 đồng dùng cho 1 người (2 vỉ, mỗi vỉ 10 viên). Trên mạng xã hội cũng không ít người giao bán hàng xách tay các thuốc kháng virus SARS-CoV-2 có giá từ hơn 2 triệu đến 3-4 triệu đồng/hộp.
Tuyệt đối không tự ý cho trẻ em dùng thuốc điều trị Covid-19, thuốc chống đông tại nhà
Chia sẻ về việc F0 điều trị tại nhà có nên dùng thuốc hay không, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay đang có nhiều trẻ em mắc Covid-19, tuy nhiên đa phần các em đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chỉ cần điều trị tại nhà.
"Đối với trẻ em mắc Covid-19 điều trị tại nhà có 2 thuốc cần dùng đó là thuốc giảm sốt hạ nhiệt và bù nước điện giải, dùng khi trẻ em bị sốt. Còn các loại thuốc khác và đặc biệt là thuốc kháng virus thì không có chỉ định dùng cho trẻ em.
PGS Điển cũng cho rằng, hiện nay tình trạng hiện nay nhiều gia đình tích trữ, mua nhiều thuốc điều trị Covid-19, kit test nhanh để test mỗi ngày rồi lại lo lắng bệnh nặng hay nhẹ khi "vạch mờ, vạch đậm", điều này không cần thiết.
"Việc test nhanh vạch mờ hay vạch đậm không quan trọng bằng việc chúng ta lắng nghe cơ thể, theo dõi các triệu chứng của chúng ta và người thân như ho, sốt, khó thở… để có các xử trí đúng", PGS Điển cho biết.
Mọi người cần lắng nghe các thông tin chính thống, từ những người có chuyên môn y tế để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình và con em mình khi mắc Covid-19", PGS Điển nhấn mạnh.
PGS Điển chia sẻ, ông biết không ít các ông bố bà mẹ ngoài việc tích trữ thuốc hạ nhiệt, bù nước điện giải, thuốc rửa mũi thì còn tích trữ cả thuốc kháng sinh, kháng viêm, thậm chí tích trữ cả thuốc chống đông.
"Với trẻ em mắc Covid-19, biện pháp điều điều trị rất nhẹ nhàng như hạ nhiệt, uống nhiều nước, ăn uống đủ chất dinh dưỡng và theo sát các biểu hiện sức khỏe của con.
Với các thuốc như kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, phải được sử dụng trong bệnh viện. Bạn theo dõi sức khỏe của con, khi có các triệu chứng nặng và đưa vào viện thì các bác sĩ sẽ căn cứ trên sức khỏe của con bạn để kê đơn sử dụng các thuốc cần thiết.
Tuyệt đối không dùng kháng sinh, kháng đông cho con tại nhà vì các thuốc này phải theo dõi tác dụng chính, tác dụng phụ, đánh giá tác dụng của thuốc… Cái này phải bác sĩ chứ ông bố bà mẹ không thể làm được điều này.
Tôi khuyến cáo các ông bố bà mẹ tuyệt đối không cho con dùng kháng viêm, kháng đông như gói thuốc điều trị Covid-19 của người lớn.
Hiện theo tôi biết chỉ có khoảng 2% các ca mắc Covid-19 tại Hà Nội phải nhập viện. Các giường điều trị Covid-19 dành cho trẻ em vẫn còn chỗ trống. Do đó, khi cha mẹ thấy con có các triệu chứng nặng thì đưa con đi viện để được điều trị đúng, bảo vệ sức khỏe cho con", PGS Điển phân tích.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng chia sẻ, nhiều cha mẹ thật sai lầm khi đọc tin tức, nghe lời khuyên trên mạng, cho trẻ mắc Covid-19 uống thuốc chống đông, chống viêm.
"Đây là việc rất nguy hiểm. Các nghiên cứu đã chứng minh, trẻ nhỏ khả năng đề kháng với virus tốt hơn và các cơn bão cytokine ít hơn so với người lớn. Chúng ta chỉ dùng thuốc chống đông đường uống cho người lớn và được sự đồng ý, kê đơn của bác sĩ. Với trẻ em tuyệt đối không nên dùng.
2 thuốc được phụ huynh hỏi nhiều khác là thuốc giảm nồng độ virus trong cơ thể đường uống, đường truyền. Đây là thuốc chưa có khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 18 tuổi nên chúng tôi không khuyến cáo dùng, càng không khuyến cáo phụ huynh mua thuốc hàng xách tay của Trung Quốc, Nga, Nhật Bản cho trẻ", PGS Hiếu cho biết.
Chỉ bệnh nhân có nguy cơ bệnh nặng mới phải dùng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir
Còn đối với người lớn mắc Covid-19, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, thuốc kháng virus điều trị Covid-19 được phép lưu hành tại Việt Nam hiện nay có 2 loại là Molnupiravir và Remdesivir.
Trong đó thuốc Remdesivir dùng cho bệnh nhân Covid-19 điều trị trong bệnh viện và thuốc Molnupiravir dùng cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà.
"Thuốc Molnupiravir có khả năng làm giảm nguy cơ diễn biến nặng khoảng 30% ở những người mắc Covid-19 có nguy cơ bệnh nặng (người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch, người chưa được tiêm vaccine Covid-19- PV).
Như vậy, Molnupiravir chỉ có ý nghĩa đối với những người mắc Covid-19 có nguy cơ bệnh nặng, còn ở nhóm không có nguy cơ thì 30% này không có ý nghĩa gì.
Hiện nay, có đến 90-95% người mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể tự khỏi được thì việc thuốc Molnupiravir không có ý nghĩa gì. Đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em, người đang dự định mang thai trong thời gian gần thì đặc biệt không được dùng Molnupiravir", bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Theo bác sĩ Cấp, việc cho bệnh nhân Covid-19 dùng thuốc Molnupiravir phải căn cứ vào việc bác sĩ đánh giá việc sử dung thuốc có lợi ích lớn hơn rất nhiều nguy cơ nó gây ra thì bác sĩ mới chỉ định cho dùng.
Còn nếu bác sĩ đánh giá việc dùng thuốc Molnupiravir trên bệnh nhân Covid-19 mà ích lợi không được bao nhiêu mà nguy cơ lại lớn thì thầy thuốc sẽ khuyên không sử dụng.
Hiện một số người dân nghe theo lời khuyên của nhà thuốc chuẩn bị "túi thuốc" dành cho người mắc Covid-19 bao gồm cả thuốc kháng virus, thuốc chống đông, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thực phẩm chức năng tăng cường chức năng phổi.
Về điều này, bác sĩ Cấp khuyến cáo người dân không nên mua. "Như chúng ta đã biết, bệnh Covid-19 diễn biến trong giai đoạn đầu với những triệu chứng như sốt virus và điều trị triệu chứng như sốt virus.
Chỉ đến giai đoạn sau có 1 tỷ lệ rất nhỏ bệnh nhân diễn biến nặng bị tổn thương phổi thì phải nhập viện điều trị. Nếu chúng ta tự ý dùng thuốc, trì hoãn vào viện thì sẽ rất nguy hiểm", bác sĩ Cấp nhấn mạnh.
Về điều này, dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng khoa Dược (Bệnh viện Đại Học Y) cũng chia sẻ, điều đáng lo ngại hiện nay là xuất hiện tình trạng người dân tự mua thuốc phòng, điều trị Covid-19 và tự điều trị theo các kiến thức truyền miệng hoặc "bác sỹ google".
Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cá nhân đã rao bán các mặt hàng thuốc điều trị virus "xách tay" từ Nga, Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, người dân tuyệt đối không nên tin vào lời quảng cáo "có cánh" để mua thuốc đắt tiền về sử dụng rồi "tiền mất tật mang".
Theo dược sĩ Tuyến, mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra.
"Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà lại tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh", dược sĩ Tuyến nhấn mạnh.
Dùng thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir phải có chỉ định của bác sĩ
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir được chỉ định cho bệnh nhân Covid -19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Thuốc sử dụng trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân cần nhập viện đã được khởi trị molnupiravir trước đó có thể tiếp tục sử dụng thuốc để hoàn thành phác đồ điều trị 5 ngày tùy theo quyết định của bác sĩ điều trị.
Bộ Y tế cũng lưu ý, thuốc Molnupiravir không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thai nhi.
Phụ nữ có khả năng mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
Phụ nữ cho con bú: không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng.
Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Monulpiravir cuối cùng.
Như vậy, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, bệnh nhân Covid-19 phải có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ bệnh tiến triển nặng (người cao tuổi, người có bệnh nền, người có bệnh làm suy giảm miễn dịch, người chưa được tiêm vaccine Coid-19) thì mới nên dùng thuốc Molnupiravir.
Theo Bộ Y tế, thuốc Molnupiravir có nhiều nguy cơ độc tính trên thai nhi nên phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, phụ nữ chuẩn bị mang thai, nam giới chuẩn bị có con đều không nên dùng thuốc Molnupiravir.
Bộ Y tế nhấn mạnh, người dân không nên lo lắng, không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.
Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ về các phản ứng có hại của thuốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.