F-35 rơi vẫn khiến Nga mơ ước?

Chủ nhật, ngày 14/10/2018 19:13 PM (GMT+7)
Dù F-35 liên tiếp bị dìm hàng nhưng Mỹ đang chứng minh cho Nga thấy, những gì F-35 có được là điều mơ ước với Moscow.
Bình luận 0

img

Tiêm kích F-35

Trên các phương tiện truyền thông không hiếm gặp các dòng thông báo về lỗi kỹ thuật xảy ra với tiêm kích F-35 Lightning II, ví dụ như nó vẫn còn tới 1.000 lỗi cần khắc phục hay không bay được trong thời tiết xấu từ Mỹ sang Anh...

Tuy nhiên có thể thấy đa phần các thông tin trên là phóng đại, lỗi kỹ thuật của F-35 chủ yếu liên quan tới phần mềm và chỉ cần điều chỉnh rất đơn giản bằng cách viết lại một dòng lệnh.

Việc "nâng cao quan điểm" máy bay F-35 không hoạt động được trong thời tiết xấu có lẽ cũng cần phải hỏi lại rằng vì sao nó không thể chờ thời tiết đẹp hơn mới cất cánh khi chẳng có yêu cầu phải cấp tốc thực hiện nhiệm vụ tác chiến.

Để có cái nhìn tổng quát hơn, hãy nhìn lại trường hợp phi đội Su-30SM "Hiệp sĩ Nga" trong năm 2017 cũng phải liên tục lùi thời gian hành quân từ Trung Quốc, quá cảnh trước khi lên đường tham dự triển lãm LIMA 2017 chỉ vì thời tiết khi đó sương mù dày đặc chứ chưa đến mức trời bão như vừa qua.

Và bất chấp bị dìm hàng không thương tiếc, dòng máy bay chiến đấu F-35 Lightning II đã đạt mốc giao hàng chiếc thứ 300 vào đầu năm 2018.

Chiếc máy bay thứ 300 là phiên bản cất hạ cánh thông thường (CTOL) F-35A dành cho Không lực Hoa Kỳ (USAF).

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 197 F-35A, 75 F-35B và 28 F-35C xuất xưởng.

Như vậy dự kiến 300 chiếc tiếp theo sẽ được bàn giao dứt điểm vào cuối năm 2020, người sử dụng nó đều là những cường quốc quân sự - kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo thông báo, tốc độ sản xuất F-35 đã đạt mức dự kiến theo kế hoạch là 66 chiếc trong năm 2017, Lockheed Martin cho biết họ muốn đạt được mục tiêu 91 chiếc trong năm 2018 và sản lượng vào năm 2023 dự kiến sẽ đạt mốc 160 máy bay/năm.

Khi đó giá thành của F-35 sẽ chỉ còn khoảng 80 triệu USD, tức là rẻ hơn cả Su-35, các con số trên đều là mơ ước của Su-57. Chính vì vậy, Nhật Bản cũng đang dự định đưa vào kế hoạch phòng thủ 5 năm trung hạn mới cho giai đoạn tài khóa 2019-2023 mục mua thêm 20 máy bay tiêm kích tàng hình F-35A của Mỹ.

Nhật Bản dự định trang bị cho không quân 42 máy bay tiêm kích loại này cho đến tài khóa 2024. Theo kế hoạch phòng thủ mới, việc mua thêm 20 máy bay F-35A nữa sẽ được bắt đầu vào năm 2020 và kết thúc vào tài khóa 2023. Việc trang bị sẽ bắt đầu vào năm 2024 và kết thúc vào tài khóa 2027.

Máy bay tiêm kích F-35A dự định sẽ được bố trí tại căn cứ ở các tỉnh Miyazaki, Ibaraki và những nơi khác. Như vậy, đến mùa Xuân năm 2028, Nhật Bản sẽ có 62 máy bay như vậy.

Không chỉ dừng lại ở các con số lý thuyết và số khách hàng, trên chiến trường Trung Đông tiêm kích F-35 thuộc biên chế Không quân Israel còn liên tiếp cho thấy tính năng kỹ chiến thuật cực kỳ ưu việt của nó khi ra vào không phận Syria "như đi chợ", phá hủy nhiều mục tiêu ngay trước mũi các tổ hợp phòng không tối tân do Nga sản xuất.

Thậm chí mới đây Đại giáo chủ Iran Ayatollah Khamenei còn phải ra lệnh cách chức tư lệnh phòng không nước này vì che giấu chuyện tiêm kích F-35I dễ dàng tiếp cận các cơ sở hạt nhân trước sự bất lực của S-300PMU2.

Việc F-35I qua mặt S-300PMU2 của Iran quá dễ dàng đã gây bối rối cho người Nga, nếu thực sự những gì Iran tuyên bố chính xác, tức là trường hợp Iran nghi ngờ Moskva cung cấp mã nguồn S-300 cho Israel sẽ khiến Nga bị xem là đối tác thiếu tin cậy.

Còn nếu như không có việc đó thì S-300PMU2 lại bị chứng minh rằng tính năng thua xa những gì Moskva vẫn quảng cáo và không thể được xem là đối thủ của "chiếc máy bay đầy lỗi" F-35 do Mỹ sản xuất này.

Thùy Dung (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem