Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Gần đây, một nhóm tự xưng là "Flappy Bird Foundation" đã công bố kế hoạch tái phát hành Flappy Bird, một tựa game từng là hiện tượng toàn cầu vào năm 2014, nhưng sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi các cửa hàng ứng dụng.
Thông tin này đã lan truyền trên mạng xã hội, khiến cộng đồng game thủ vô cùng phấn khích. Tuy nhiên, mới đây, ông Nguyễn Hà Đông, "cha đẻ" của trò chơi này đã lên tiếng phủ nhận mọi liên quan đến dự án "hồi sinh" tựa game này.
Trong một bài viết trên nền tảng X (tên gọi cũ Twitter), ông Nguyễn Hà Đông khẳng định: "Tôi không liên quan gì đến tựa game của họ. Tôi không bán bất cứ thứ gì. Và tôi cũng không ủng hộ tiền điện tử."
Điều này hoàn toàn trái ngược với những thông tin mà nhóm Flappy Bird Foundation đưa ra trước đó, rằng công ty tuyên bố đã mua lại bản quyền từ Gametech Holdings, LLC (công ty đã đăng ký nhãn hiệu này sau khi ông Nguyễn Hà Đông không gia hạn).
Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến tiền điện tử và NFT được tìm thấy trên các trang web của dự án đã khiến nhiều người nghi ngờ về mục đích thực sự của nhóm này. Thêm vào đó, việc người đứng đầu nhóm này cũng là người đứng đầu một công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử càng khiến nghi vấn này trở nên đáng tin cậy hơn.
Việc lợi dụng tên tuổi của một trò chơi kinh điển để quảng bá cho các dự án liên quan đến tiền điện tử là một hành vi gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng game thủ. Điều này đặt ra câu hỏi về việc, liệu phiên bản Flappy Bird mới có thực sự kế thừa được tinh thần của phiên bản gốc hay không?
Trả lời PV Dân Việt, anh Đức Thuận - một lập trình viên lâu năm trong ngành game, đánh giá rằng các dự án về game rất nhiều trong vài năm qua. Nhưng để tạo ra sức ảnh hưởng và được cộng đồng đón nhận mạnh mẽ thời điểm này không dễ.
"Những thách thức ngày càng tăng trên thị trường trò chơi toàn cầu. Các công ty trò chơi phải dành nguồn lực để tương tác trực tiếp với người chơi và khuyến khích họ cung cấp thông tin tình nguyện để nhà phát triển có thể tùy chỉnh trò chơi", anh Thuận nói.
"Riêng ở Việt Nam, hầu hết các trò chơi phổ biến của Việt Nam là trò chơi miễn phí có giao diện đơn giản. Mặc dù một số công ty thành công như Amanotes cũng cung cấp dịch vụ đăng ký và những công ty khác có thể sẽ thử điều chỉnh trò chơi của họ cho bảng điều khiển, nhưng những thay đổi như vậy sẽ gây khó khăn cho nhiều người. Việc phát triển trò chơi cho các hệ máy console như PlayStation và Xbox sẽ cần vài năm và hơn 100 triệu USD đầu tư".
Khi được hỏi về dự án hồi sinh Flappy Bird, ông Thuận bày tỏ sự nghi ngờ: "Tôi không nghĩ nhóm phát triển mới này sẽ mang đến một tín hiệu tích cực cho làng game. Ngày nay, các tựa game có xu hướng gắn với tiền điện tử trở nên phổ biến, và đó mới là mục đích phía sau. Flappy Bird gắn với cái tên Nguyễn Hà Đông. Cha đẻ của tựa game này mới là người quyết định sự thành công".
Trên các diễn đàn về game, nhiều ý kiến bình luận rằng Flappy Bird Foundation chỉ đang sử dụng tên tuổi của Flappy Bird như một công cụ để kiếm lợi từ xu hướng tiền số. Trong khi có luồng ý kiến lại tỏ ra phấn khích với kì vọng về nét mới của Flappy Bird nhưng vẫn giữ cái "hồn" của tựa game này, vốn từng mang đến cho người dùng những trải nghiệm đáng nhớ.
Với cộng đồng game, dù Flappy Bird đã bị khai tử hơn 10 năm (ngày 10/2/2014) nhưng không phủ nhận tiếng vang của tựa game này.
Nhưng cũng chính vì thành công đến quá nhanh, quá lớn và cả áp lực dư luận khiến "cha đẻ" của tựa game "chim xanh" - Nguyễn Hà Đông cảm thấy "không thể chịu nổi". Lập trình viên sinh năm 1985 làng lụa Vạn Phúc, Hà Nội từng chia sẻ rằng: "Tôi không thể ngủ được, cuộc sống của tôi không còn thoải mái như trước".
Tháng 5/2013, trò chơi Flappy Bird chính thức được phát hành trên hệ điều hành iOS 5 với vỏn vẹn dòng giới thiệu về "trò chơi mới đơn giản" được Nguyễn Hà Đông đăng tải trên Twitter. Và điều kỳ diệu đã xảy đến vào 8 tháng sau đó, khi Flappy Bird trở thành tựa game được người người, nhà nhà đua nhau tải.
Trò chơi này tạo nên cơn sốt toàn cầu khi đạt 50 triệu lượt tải và được cho là kiếm được tới 50.000 USD/ngày cho tác giả. Flappy Bird cũng là một trong 10 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2014. Flappy Bird cũng nằm trong danh sách 25 ứng dụng được CNET đánh giá là có tầm ảnh hưởng nhất trong một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, tháng 2/2014, Nguyễn Hà Đông đã tự tay gỡ bỏ Flappy Bird. Lý do anh gỡ trò chơi này là bởi Hà Đông thấy mọi người mất quá nhiều thời gian để chơi Flappy Bird.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.