Gã khùng Hùng "khơi khơi" và niềm đam mê đá hơn làm...phó giám đốc

Thứ hai, ngày 19/11/2018 13:40 PM (GMT+7)
Anh Châu Chí Hùng (53 tuổi) ngụ ở phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa có bộ sưu tập đá đồ sộ sau 20 năm đi khắp nơi để tìm kiếm, sưu tầm. Anh luôn ước mong xây dựng được một bảo tàng đá độc đáo cho đời sau.
Bình luận 0

Mê đá hơn mê làm… phó giám đốc

Năm 1994, anh kỹ sư xây dựng tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh Châu Chí Hùng làm phó giám đốc một công ty xây dựng. Thế nhưng đã có một sự kiện xảy ra với anh, khiến anh rẽ sang một con đường khác của cuộc đời mình…

Năm đó, anh cùng nhân viên công ty ra miền Trung để chuẩn bị xây dựng công trình. Trong một lần leo rừng khảo sát địa bàn, anh bỗng vấp phải một hòn đá cuội lộ thiên khiến ngón chân chảy máu. Cầm hòn đá lên tay, anh định ném ra xa cho hả giận nhưng thấy hòn đá toát lên vẻ đẹp lạ thường, anh bèn thay đổi ý định và mang hòn đá về trưng bày. “Cũng kể từ đó, tôi “phải lòng” đá lúc nào không hay”, anh Hùng kể.

img

Đam mê đá nên suốt từ năm 1994 đến nay, nghệ nhân Châu Chí Hùng lặn lội khắp rừng sâu, sông suối trên mọi miền Tổ quốc để sưu tầm đá

Bạn bè thường gọi vui anh bằng cái tên Hùng “khơi khơi” (nói lái, nghĩa là “hơi hơi khùng”). Trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, anh nghỉ việc ở công ty khi con đường hoạn lộ còn rộng mở. Về nhà, anh mở quán ăn lấy tên là An Phát Quán để phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng đó không phải là mục đích chính. Mong muốn của anh là có nhiều thời gian rong ruổi. Một phần lợi nhuận kiếm được từ việc kinh doanh, anh “rót” vào chơi đá… Là người mê đá hơn bất cứ thứ gì trên đời nên hễ biết ở đâu có đá quý, đá đẹp là anh lại thu xếp lên đường. Trước mỗi cuộc hành trình, anh lên lịch tỉ mỉ và tìm hiểu về lịch sử, địa lý của những vùng đất sẽ đặt chân đến. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu khoáng vật, khoáng sản trong và ngoài nước để nâng cao trình độ hiểu biết về các loại đá cũng như giá trị của chúng.

Vì “chạy” theo niềm đam mê nên cuộc “săn” đá của anh Chí Hùng không có khái niệm giới hạn về không gian, thời gian hay thời tiết. Anh cho hay, đã từng phượt hàng ngàn cây số từ Ðồng Nai ra tỉnh Bắc Giang chỉ để lấy một mẩu đá tinh thể Aragonit (loại đá giống san hô, có kết cấu hình kim cực kỳ quý hiếm) rồi lại quay vào các mỏ khoáng vật ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam… để sưu tầm thạch anh, hồng ngọc, cẩm thạch, mã não. Có những chuyến đi, anh phải thuê xe tải chở đủ loại đá sưu tập được để mang về nhà. Tuy nhiên, cũng có những chuyến đi tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng anh chỉ mang được về vài viên đá nhỏ.

img

Hòn đá tự phát sáng trong bóng tối mà anh mới sưu tầm được

Công việc làm ăn của An Phát Quán phát triển giúp anh có của ăn, của để và sở hữu một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Thế nhưng “năm thì, mười họa” anh mới lưu trú tại nhà vì phần lớn thời gian anh dành cho việc “lang thang” tầm đá. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 1 tuần đến vài tháng, thậm chí có thời gian gần 4 tháng trời anh mới đặt chân về nhà. “Cũng chính vì mê đá hơn cơm nên tôi bị mọi người gọi bằng cái tên “Hùng khơi khơi” hoặc “Hùng khơi” để nói tôi “hơi khùng khùng”, “hơi khùng”. Bây giờ, những biệt danh đó cũng đã trở thành nghệ danh của tôi”, chủ nhân của An Phát Quán vui vẻ nói. 

Mơ ước có một bảo tàng đá 

Theo nghệ nhân Châu Chí Hùng, đá là sự kết tinh và được hình thành bởi nhiều loại khoáng vật nên có sự độc đáo về màu sắc, hình dáng, vân, thớ đá… Do vậy, sau mỗi cuộc hành trình tầm đá, anh lại dành một khoảng thời gian ít ỏi chế tác đá theo sở thích của mình. Anh chia sẻ: “Một số viên đá tự nhiên có thể tự toát lên vẻ đẹp nhưng cũng có một số viên phải trải qua nhiều công đoạn chế tác mới đạt mức tuyệt kỹ của nghệ thuật. Nhiều viên đá khi nguyên bản thô sơ là vật vô tri vô giác, nhưng sau khi chế tác thành “ngọc, chúng có một vẻ đẹp hút hồn người xem”. Nghệ nhân Hùng cho biết thêm, hiện tại bộ sưu tập của anh có hàng trăm viên đá đủ loại hình thù, với chất liệu cấu tạo khác nhau và màu sắc phong phú được chế tác để phục vụ nghệ thuật chơi đá cảnh. 

img

Sau khi đưa đá về nhà, anh bắt đầu công đoạn chế tác, hóa “ngọc” cho đá

Ðể có thể trang trải kinh phí cho các chuyến sưu tầm đá, một số tác phẩm đã được bán đi để lấy tiền, nhưng cũng có những tác phẩm có người ngỏ lời mua hàng trăm triệu đồng mà anh nhất định không bán. “Tôi không bán. Tôi là người đam mê sưu tầm, đam mê nghệ thuật đá cảnh nên mỗi khi bán tác phẩm của mình là cả một sự day dứt”, anh Hùng thổ lộ. 

Không chỉ tầm đá để thỏa mãn thú chơi nghệ thuật, anh còn tầm đá cho nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, sau 20 năm lặn lội tầm đá, nghệ nhân Hùng đã tạo dựng được bộ sưu tập với trên 1.000 mẫu vật đá các loại. Trong số đó, có những viên đá quý như hồng ngọc (ruby), đá Sapphia (lam ngọc), ngọc lục bảo, ngọc hải lam hoặc những thân cây, vỏ ốc hóa thạch có niên đại hàng triệu năm. Mỗi mẫu đá tầm được đều được ghi chép đầy đủ các thông số khoa học như nơi phát hiện, thời gian phát hiện, tên gọi, thành phần cấu tạo, màu sắc, độ cứng, hệ tinh thể… sau đó thì đi sâu vào nghiên cứu, phân tích các thành phần cấu thành và niên đại của đá. Hàng ngàn trang về danh mục, nghiên cứu của anh đã trở thành tài liệu tham khảo về khoáng vật cho sinh viên. Hiện anh đang cộng tác với Trường đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh để giúp sinh viên có nơi tham khảo mẫu vật. Anh Hùng cho biết: “Tài liệu nghiên cứu về khoáng vật trong nước không nhiều, mẫu vật nghiên cứu tại các trường đại học ít nên sinh viên khó phát huy tư duy khoa học”. 

Hiện anh Hùng đã cho ra đời quyển “Ðá cảnh Việt Nam” để làm tài liệu tham khảo cho giới chơi đá cảnh nghệ thuật. Ngoài ra, anh cũng đang sưu tầm thêm mẫu vật, hệ thống hóa tài liệu để viết sách nghiên cứu về đá. Sắp tới, anh sẽ mở rộng thêm gian trưng bày mẫu vật để đón sinh viên, nghiên cứu viên trên khắp cả nước về tham khảo, nghiên cứu. “Mơ ước lớn nhất của tôi là tạo dựng được một bảo tàng đá và hiến tặng nó cho nhà nước để mọi người có thể chiêm ngưỡng, hoặc nghiên cứu về đá của Việt Nam. Ðây là công việc lâu dài, nhưng với niềm đam mê của mình, tôi tin mình sẽ làm được”, anh Hùng nói.

Đá quý: Càng hiếm, càng quý

Trong thiên nhiên có hơn ba ngàn tinh thể, khoáng thể và đá khác nhau, nhưng chỉ một phần trăm rất nhỏ trong số này có các tính chất cần thiết để được xem là đá quý. Một viên đá thực sự được gọi là đá quý khi chúng sở hữu vẻ đẹp (màu sắc, vết cắt, độ trong suốt), độ bền, hiếm và mang tính di động (có thể mang đi lại được). Yếu tố góp phần tạo nên giá trị của đá quý chính là độ hiếm. Hiển nhiên càng hiếm càng quý. Tuy nhiên, một vài chất liệu khá phổ biến trong thiên nhiên vẫn được xem là quý vì có vẻ bên ngoài rất đẹp, như đá thạch anh tím amethyst chẳng hạn. Tuy nhiên, giá của chúng hiếm khi nào vượt trên 4 triệu đồng/carat. Ngược lại, một viên ruby chất lượng cao rất hiếm, giá có thể trên 200 triệu đồng/carat là điều bình thường. Carat là đơn vị khối lượng dành riêng cho kim cương và các loại đá quý. Một carat tương đương với 200mg. Carat được viết tắt là ct (Đừng nhầm với Karat là đơn vị tinh khiết dành riêng cho vàng. Do vàng nguyên chất rất mềm, dễ bị biến dạng khi gặp va chạm nên để khắc phục tình trạng này, người ta pha vàng với các kim loại khác như đồng và bạc để vàng cứng hơn, trang sức cũng bền hơn khi gặp va chạm vật lý. Độ tinh khiết của vàng trong mỗi trang sức chia làm 24 phần, mỗi một phần thể hiện là 1 Karat, viết tắt là K. Ví dụ, nhẫn vàng 18K có nghĩa là trong 24 phần thì 18 phần là vàng nguyên chất, 6 phần là kim loại khác (thường là đồng). Nhẫn vàng 24K là nhẫn vàng nguyên chất, không pha kim loại khác).

Vương Thế (Laodongdongnai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem