Ông Thái Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Đà Nẵng cho hay: Để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa, ngày 14.3 tới đây, 50 cựu chiến binh, đại diện thân nhân các chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma cùng 200 đoàn viên thanh niên sẽ giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu”.
|
Anh Đức mãi khắc ghi trận chiến Gạc Ma, trận chiến mà “súng chỉ nổ từ một phía”. |
Giương cao cờ Tổ quốc
25 năm, một quãng thời gian đủ dài để mái tóc đồng đội các anh đổi màu trắng, đủ dài để lấy đi sự hiện diện của mẹ các anh trên cuộc đời, nhưng ký ức về những người con của mình thì vẫn mãi in sâu trong tâm khảm các mẹ, là vết thương luôn rỉ máu trong trái tim đồng đội. Mẹ Trần Thị Huệ (mẹ liệt sĩ Lê Thế, trú tại 12 Bùi Thị Xuyên, quận Sơn Trà) kể lại: “Cách đây đúng 25 năm, ngày 14.3.1988, Thế cùng Phan Văn Đức là chiến sĩ của phường An Hải Tây (quận Sơn Trà) tham gia trận đánh bi hùng lịch sử. Hai đứa ra đi về chỉ một”. Con trai của mẹ vĩnh viễn nằm lại trên đảo Gạc Ma huyền thoại.
Còn anh Đức, bạn Thế trở về trong cái xác vô hồn, bởi những ký ức về đồng đội đã hy sinh vẫn luôn ám ảnh anh... Người đen cháy, gầy gò, liêu xiêu như cái bóng giữa trưa hè bên bờ biển. Nhưng đôi mắt anh Đức sáng lên khi nghe tôi nhắc đến Gạc Ma. Năm ấy, anh tham gia quân ngũ và làm việc ở bộ phận hậu cần. Nhưng hình ảnh đồng đội hiên ngang cầm súng đứng gác trên các vùng đảo đã thôi thúc anh gia nhập vào đội công binh xây đảo. Đúng một năm sau ngày nhập ngũ, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ các chiến sĩ trên tàu HQ 604 xây dựng đảo Gạc Ma.
Đảo Gạc Ma nằm ở tọa độ 9°43'9"N-114°16'57"E là hòn đảo chìm nằm trong cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ trận hải chiến ngày 14.3.1988 làm 64 chiến sĩ của ta ngã xuống.
“Ngày 13.3.1988, khi cách đảo khoảng 0,8 hải lý bất ngờ tàu HQ 604 gặp tàu Trung Quốc. Khi đó tôi cùng một số đồng đội đang vận chuyển vật liệu ra đảo. Tàu của giặc đuổi chúng tôi, nhưng chúng tôi không nao núng mà chờ đêm tới thay nhau vận chuyển vật liệu lên đảo” - anh Đức nhớ lại.
Nhưng đến rạng sáng ngày 14.3.1988, lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo. Khi đó lực lượng của ta có 3 người đang giữ cờ Tổ quốc. Bọn giặc xông vào đánh giáp lá cà hòng giật lá cờ của ta. Nhưng thiếu úy Trần Văn Phương, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã dũng cảm chiến đấu, cùng đồng đội lập thành “đội hình vòng tròn” quyết tâm giương cao lá cờ Tổ quốc trên đảo. Quân giặc đã dùng lê đâm và bắn hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh khiến anh bị thương nặng. Thiếu úy Phương lao vào cứu đồng đội cũng bị bắn và anh dũng hy sinh. Trước lúc ngã xuống, thiếu úy Phương hô to: "Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc”.
“Cuộc đụng độ đang xảy ra quyết liệt thì bất ngờ tàu Trung Quốc xả súng sàn sạt vào chúng tôi. Do là con nhà biển nên tôi ngụp lặn, tránh được làn đạn của bọn chúng và bơi trở lại tàu. Nhưng bọn chúng không thương tiếc nã đạn pháo vào tàu HQ 604. Do trúng quá nhiều đạn, tàu từ từ chìm xuống biển. Khi đó tôi bơi ngược lại đảo và đỡ một chiến sĩ của ta bị thương, và bất ngờ tay tôi bị dính đạn, đau nhói. Vừa kể anh Đức vừa dõi mắt ra vùng biển xa xăm mịt mùng, buồn bã nói: “Chúng ta muốn và quyết tâm giữ lắm, nhưng cuộc chiến vì quá không cân sức nên đành bất lực nhìn anh em ngã xuống, máu thấm đỏ cả vùng biển”.
Người về hồn ở lại
Anh Trương Văn Hào là đồng đội của anh Đức và cũng là thành viên của Hội Cựu chiến binh phường An Hải Tây tâm sự: “Giờ Đức sống như người không hồn. Gạc Ma đã lùi xa nhưng đối với Đức, nó vẫn như mới xảy ra hôm qua. Ngày trước hắn nhanh như sóc giờ chậm chạp, lầm lì”.
Năm 2012, thành phố đã thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa. Ban liên lạc sẽ đi tìm các cựu chiến binh tham gia trận đánh Gạc Ma và thân nhân gia đình 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến lịch sử ngày 14.3.1988.
Sau khi xảy ra trận chiến ngày 14.3.1988, gia đình của Đức hoàn toàn biệt vô âm tín về anh. Ai cũng nghĩ Đức đã hy sinh nên lập bàn thờ hương khói. Gần hai tháng sau có người từ Nha Trang báo về là gặp Đức ở trong đó. Lúc ấy gia đình mới hay là Đức vẫn còn sống. Hỏi anh Đức tại sao lại không báo tin gì cho gia đình thì anh Đức khóc: “Khi ở ngoài đảo tôi bị thương và được xuồng của tàu HQ 505 đưa vào đảo Sinh Tồn chữa trị. Một thời gian sau nghe nghóng tin tức của anh em đồng đội thì biết đã hy sinh mất 64 người.
Thằng Thế tham chiến cùng tôi giờ nó đã mất, tôi không thể báo tin về nhà được. Ngày ra đi, mẹ Thế dặn dò chúng tôi bảo vệ, đùm bọc nhau. Nó mất rồi tôi làm sao mà báo là tôi còn sống được chứ. Đợt đó cũng có mấy người bảo tôi gửi thư về vì ở nhà ông bà già lập bàn thờ tui rồi. Nhưng tôi nói cứ để từ từ đã. Mất mát của gia đình tôi ăn thua gì so với những gia đình đồng đội”.
25 năm đã qua, nhưng từ ngày trở về, anh Đức thường xuyên ăn chay trường và sống trong khổ cực.
Anh Phan Văn Minh (em trai anh Đức) cho biết: “Từ ngày trở về nhà, hàng ngày anh Đức đều lang thang ra ngồi ngóng biển. Có những lần tối mịt không thấy anh về ăn cơm, mọi người ra biển xem thế nào thì bất ngờ nghe giọng hát: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về lòng mẹ lặng im...”. Đã rất nhiều người nghĩ anh bị điên, nhưng không phải. Anh vẫn tỉnh táo đàng hoàng, nhưng có lẽ những ký ức về ngày 14.3.1988 không thể phai mờ trong anh”.
Hỏi anh, sao không lo cho cuộc sống gia đình, anh Đức nói: “Tôi bắt tay vào làm việc gì cũng không toàn tâm toàn ý được. Mỗi lần như vậy thì hình ảnh của đồng đội, của thằng Thế lại hiện về. Mẹ nó hàng ngày vẫn ngong ngóng nó đấy. Tôi phải sống, phải nhớ về Gạc Ma, chỉ mong các anh em đồng đội tôi được đưa về hương khói tại gia đình. Mẹ của họ chắc không còn nhiều thời gian chờ họ nữa rồi... ”, anh Đức lặng lẽ gạt nước mắt.
Đình Thiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.