Quyên ở TP HCM cho biết sau lần qua đêm với bạn trai mới quen, cô cảm thấy ngứa vùng kín và ra huyết trắng bất thường có mùi tanh. Đi bệnh viện khám, cô gái hoảng hốt khi nghe bác sĩ chẩn đoán dương tính với virus HPV gây bệnh sùi mào gà.
"Em mới quan hệ lần đầu tiên mà sao bị bệnh xã hội được", cô gái 28 tuổi thắc mắc. Bác sĩ giải thích rằng việc nhiễm bệnh tình dục không phụ thuộc vào số lần quan hệ.
Bệnh lan truyền qua đường tình dục không phụ thuộc vào việc bạn quan hệ lần thứ mấy. Ảnh minh họa: Womenshealth.
Vốn là một cô con gái ngoan ngoãn trong gia đình, giờ đây mắc bệnh lây qua đường tình dục, Quyên luôn cảm thấy ân hận và giày vò bản thân. Bệnh nhân đã chiếu tia laser đốt sạch các nốt sùi mào gà ở vùng kín, nhưng bác sĩ cho biết virus HPV không thể diệt sạch hẳn, cần phải theo dõi và xét nghiệm định kỳ.
Quyên không dám báo chuyện mắc bệnh cho gia đình biết vì sợ cha mẹ thất vọng. Cô cũng cắt liên lạc với bạn trai mà không giải thích lý do. Mang nỗi mặc cảm bệnh tật, Quyên trở nên buồn bã, mất ngủ, không còn hứng thú với công việc và các hoạt động yêu thích thường ngày. Bác sĩ chẩn đoán Quyên bị rối loạn trầm cảm, phải uống thuốc an thần và trị liệu tâm lý thời gian dài mới cải thiện được.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Học, Phòng khám Nam học - Tình dục, Khoa Tiết niệu Nam học, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nhìn nhận tâm lý chung của những người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục là cảm thấy sợ hãi, lo lắng. Nhiễm một loại bệnh tình dục không chỉ khiến bệnh nhân là đau đớn về thể xác mà còn dẫn đến tinh thần hoảng loạn, sợ bị vô sinh và sợ chết. Trong đó, điều họ lo sợ nhất là bị bạn tình phát hiện hay đồng nghiệp và bạn bè chế giễu.
Trong quá trình công tác, bác sĩ Học từng gặp không ít bệnh nhân mắc bệnh truyền qua đường tình dục dẫn tới bệnh tâm thần. Họ thường than thở: "Làm sao để thuyết phục người bạn tình của mình điều trị". Một số bày tỏ cảm giác hối tiếc và tự trách bản thân "Tại sao dễ dãi như vậy, tại sao nhậu xỉn, sao không dùng bao cao su, tại sao mình lại tới nơi đó...". Lúc này, bác sĩ tư vấn phải kiên nhẫn lắng nghe, xác định tâm lý người bệnh để tìm cách giúp họ vượt qua và tiếp tục sống hạnh phúc.
Bác sĩ Học nhìn nhận việc tiết lộ bản thân mắc bệnh lan truyền qua đường tình dục, nhất là các bệnh không thể điều trị dứt điểm, là một thách thức vô cùng lớn. Tuy nhiên, đây là việc cần và nên làm. Thái độ thành thật, trao đổi trực tiếp với bạn tình, khuyến khích họ tham gia xét nghiệm và điều trị sẽ giúp cả hai vượt qua bệnh tật và tập trung xây dựng mối quan hệ hiện có.
"Tiết lộ bản thân đang bị bệnh lan truyền qua đường tình dục là việc làm đạo đức và hợp pháp. Hãy nói với bạn tình rằng đây là điều không ai muốn. Mục đích của việc chia sẻ kết quả xét nghiệm bệnh dương tính hoặc âm tính để mỗi người có hành động điều trị và phòng bệnh trong tương lai", bác sĩ Học nhắn nhủ.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Xem thêm: Robot tình dục xinh đẹp “giống người nhất thế giới"
Video robot Erica trò chuyện với tiến sĩ Nhật Bản Hiroshi Ishiguro
Thi Trân (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.