Chiến Hoàng
Thứ năm, ngày 07/07/2022 19:39 PM (GMT+7)
Dù đã phát triển cây thuốc lá trên địa bàn hơn 20 năm, nhưng hiện nay huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích cây thuốc lá để thay thế bằng các cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn.
Huyện Ngân Sơn được biết đến là vựa trồng cây thuốc lá lớn nhất tỉnh Bắc Kạn. Cây thuốc lá được người dân nơi đây trồng đã hơn 20 năm và cho thu nhập ổn định. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu huyện Ngân Sơn đặc biệt phù hợp với loại cây trồng này. Bởi vậy, chất lượng cây thuốc lá ở huyện Ngân Sơn luôn được các đơn vị thu mua thuốc lá nguyên liệu đánh giá cao.
Theo ngành nông nghiệp, diện tích cây thuốc lá hàng năm của huyện luôn duy trì hơn 700ha. Đây được xem là cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo, giúp nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, việc trồng cây thuốc lá cũng bắt đầu xuất hiện một số hạn chế cũng như nguy cơ. Do vậy, chính quyền huyện đã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ trương giảm dần diện tích cây thuốc lá ở huyện.
Theo ông Nguyễn Trọng Lăng - Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, hiện diện tích cây thuốc lá đã giảm từ trên 700ha xuống còn hơn 600ha.
Ông Phạm Kim Hiểu - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Ngân Sơn cho biết, tuy cây thuốc lá đã được trồng ổn định và cho thu nhập cao, vậy nhưng lại là cây chịu đựng khá yếu với thời tiết và cần rất nhiều nhân lực. "Lao động địa phương hiện rất hạn chế, phần lớn người dân trong độ tuổi lao động đều đi làm công nhân tại các công ty nên huyện gặp khó khăn về nhân lực để duy trì diện tích cây thuốc lá hằng năm theo kế hoạch. Chưa kể, do cây thuốc lá đã được trồng lâu năm khiến nhiều doanh nghiệp e ngại đất nơi đây có thể bị nhiễm chất nicotin, do đó không dám đầu tư trồng các loại rau, củ, quả xuất khẩu khác" - ông Hiểu cho biết thêm.
Được biết 100% lò sấy thuốc lá tại huyện Ngân Sơn là lò đốt thủ công, đốt bằng củi, dẫn đến nguy cơ xâm hại rừng.
Cây gai xanh lên xanh
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Lăng - Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho hay, cây thuốc lá vốn không được khuyến khích trồng. Vùng nguyên liệu làm chất đốt cho các lò sấy thuốc lá rất hạn chế. Theo ông Lăng, bà con chủ yếu sử dụng củi để sấy thuốc lá. Sau khi đóng cửa rừng, vùng nguyên liệu càng hết sức khó khăn. Dù huyện đã có những giải pháp phối hợp với các công ty thuốc lá để chuyển đổi các lò đốt thành các lò sấy thuốc lá để tiết kiệm nguyên liệu, tuy nhiên các đề án, dự án đó còn chậm.
"Nguyên liệu đốt cho cây thuốc lá hiện đang khan hiếm, việc tỉa thưa rừng trồng không đảm bảo nguyên liệu đốt cho cây thuốc lá. Chính vì vậy, huyện Ngân Sơn đã định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích cây thuốc lá để thay thế các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, ví dụ như cây gai xanh" - ông Lăng thông tin.
Cũng theo ông Lăng, hiện HTX Kiên Anh đã và đang triển khai trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Ngân Sơn và cũng đã có những mô hình trình diễn cây gai xanh, triển khai tại xã Hiệp Lực và một số xã khác của huyện. Là người thực hiện trồng cây gai xanh đầu tiên tại huyện Ngân Sơn, bà Mã Thị Niệm (thôn Nà Lạn, xã Hiệp Lực) cho biết: "Tôi đã trồng thử nghiệm trên diện tích 5000m2, tính ra cứ 1.000m2 cho thu 13,5 triệu đồng/vụ trong khi trồng ngô và các loại cây trồng khác chỉ được khoảng 5 triệu đồng mà thôi". Ngoài cây gai xanh, huyện Ngân Sơn cũng đang hướng đến một số cây trồng khác như: Ngô sinh khối, kiệu, thạch đen, gừng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.