Game ngoại lấn sân game nội

Thứ sáu, ngày 16/08/2013 06:43 AM (GMT+7)
Sự lấn át mạnh mẽ của các công ty phát hành trò chơi trực tuyến nước ngoài, trong khi chính sách quản lý trong nước quá bó chặt nhưng quản lý lỏng lẻo đang khiến các doanh nghiệp nội rơi vào thế đường cùng.
Bình luận 0
Sự lấn át mạnh mẽ của các công ty phát hành trò chơi trực tuyến (game online) nước ngoài vào thị trường Việt Nam, trong khi chính sách quản lý trong nước quá bó chặt nhưng công tác quản lý lỏng lẻo đang khiến các doanh nghiệp nội rơi vào thế đường cùng, nếu không phạm luật sẽ không “sống” được.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 7.2013, Bộ đã cấp phép 117 game phát hành tại Việt Nam nhưng có 44 game đã đóng cửa. Tuy nhiên số lượng game online đang hoạt động trên thực tế gấp nhiều lần số lượng game đã có phép. Ước tính có khoảng hơn 200 game cung cấp qua mạng Internet, hàng nghìn game cung cấp trên các mạng xã hội và cổng ứng dụng smartphone.

Trong 73 game cấp phép đang hoạt động, đa phần là game do các doanh nghiệp nội nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Còn lại hàng trăm game không phép trên thị trường cũng có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, hoặc do doanh nghiệp Việt phát hành lậu, hoặc do phía Trung Quốc chủ động phát hành lậu vào Việt Nam. Có thể kể ra những cái tên như: KoramGame, Tuyệt Phẩm, Afoo, 37Wan, Renren, Myw.vn..., đều là những công ty game đến từ Trung Quốc đang phát hành game không phép tại Việt Nam.

Về cơ bản họ đang vi phạm pháp luật ở Việt Nam khi phát hành các game không phép ra thị trường. Những công ty này khi phát hành game ở Việt Nam lại gần như không phải lo chi phí bản quyền và số lượng game phát hành. Họ chỉ cần liên kết với một tư nhân trong nước để làm công tác thu phí, bán thẻ cào rồi chuyển ra nước ngoài là có thể “ngồi mát ăn bát vàng”.

Trong khi đó, từ tháng 10.2010, Nhà nước đã có chính sách hạn chế thẩm định cấp phép nội dung game online khiến các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ. Do vòng đời của sản phẩm ngắn nên việc không ra được game mới khiến người chơi tìm đến các sản phẩm phiên bản quốc tế được Việt hóa. Trong đó có rất nhiều trò chơi do nhà phát hành nước ngoài cung cấp mà không có sự đồng ý của các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Khoa-Giám đốc điều hành FPT Online thừa nhận, từ năm 2010 đến tháng 6.2013, FPT Online lâm vào khủng hoảng, liên tục tăng trưởng âm và không biết xoay xở thế nào. FPT Online được cấp phép 5 game nhưng phải đóng cửa hết 4 game do chi phí vận hành game ngày càng lớn. Công ty ngày càng đi lùi, chất xám liên tục chảy máu do thị trường lúc này "ai cũng làm game được". Theo ông Khoa, nguyên nhân chính là từ năm 2010 – 2013 số doanh nghiệp làm game tăng vọt từ 12 lên 40 doanh nghiệp khiến thị trường phân mảnh, chi phí tăng cao do cạnh tranh.

Ông Phạm Công Hoàng- Phó Tổng Giám đốc FPT Online cho biết: Việc các công ty từ Trung Quốc đang phát hành game không phép hiện nay, nhưng không có sự kiểm soát từ các cơ quan nhà nước, đang làm thu hẹp thị phần của các doanh nghiệp game Việt Nam, lại hoàn toàn không phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đối với Nhà nước Việt Nam. Những việc này đang ảnh hưởng rất lớn cho ngành game Việt Nam và góp phần giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tuấn Anh (Tuấn Anh )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem