Người dân trong xã cho biết, trước đây có một cái cầu tạm đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng năm 2013, mùa mưa lũ về đã cuốn phăng chiếc cầu khiến cho việc đi lại của bà con 2 bản Xốp Pe và Chà Luân bị cắt đứt. Người dân phải bắc tạm bợ mấy cây tre, gỗ để qua sông.
Hàng ngày các em học sinh phải đối mặt với “bẫy tử thần” đến trường. Ảnh: Lê Tập
Anh Nguyễn Văn Hải, một người dân trong bản cho hay: “Người lớn (đàn ông) có thể liều mình đi tạm được nhưng cũng sợ thót tim, lỡ không may cây tre gãy rơi xuống nước thì chết còn phụ nữ và trẻ em thì sợ không dám đi”. Em Nguyễn Thị Hương (học sinh lớp 8 Trường THCS Hương Tiến) cũng bày tỏ, các em không còn cách nào khác là phải lội suối qua sông đến trường. Lo nhất là vào mùa mưa, nước lên nhanh chảy mạnh khiến cho cầu tạm xiêu vẹo. Ðể cho học sinh tới trường, cũng như thuận tiện hơn trong việc đi lại, người dân đã phải dùng dây thừng neo giữ để khỏi cầu cuốn trôi.
Chị Nguyễn Thị Minh (một phụ huynh học sinh) cho biết: Nhiều hôm gặp phải trời mưa to, nước chảy cuồn cuộn nhưng cũng phải liều mình mà dắt con đi không thì chậm học mất. Nếu hôm nào mưa to gió lớn thì đành chấp nhận để con nghỉ học ở nhà.
Thầy Đinh Văn Mão - Hiệu trưởng Trường THCS Hương Tiến chia sẻ: Từ khi cầu bị lũ cuốn trôi kéo theo hệ lụy các em đến trường không được đều đặn, chương trình học bị chậm. Những lúc mưa to, gió lớn nhà trường đã phải cắt cử các thầy trúc trực ở cầu để đưa các em qua sông. Hoặc là thông báo đến các bậc phụ huynh cho các em nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Trao đổi với phóng viên báo NTNN, ông Lương Quảng Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: Toàn xã có gần 150 em thuộc 3 bản Kim Hồng, Xốp Pe, Chà Luân phải lội suối để tới trường mỗi ngày. “Chúng tôi cũng đã phối hợp với người dân dựng cầu tạm bằng tre, gỗ nhưng chỉ đó là giải pháp tạm thời. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ kiến lên cấp trên để sớm có một chiếc cầu cho bà con đi lại thuận tiện hơn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.