Gần hết năm, giải ngân kế hoạch đầu tư công Bình Dương vẫn chưa đạt như kỳ vọng
Gần hết năm 2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công của Bình Dương vẫn chưa đạt như kỳ vọng
Nguyên Vỹ
Thứ hai, ngày 09/12/2024 19:25 PM (GMT+7)
Tính đến cuối tháng 11/2024, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Bình Dương là 8.498 tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch. Riêng với các công trình trọng điểm, giá trị giải ngân là 5.730 tỷ đồng, đạt 34,3%.
Tại Kỳ họp thứ 19 - HĐND tỉnh Bình Dương khóa X (diễn ra từ ngày 9-10/12), UBND tỉnh cho biết, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 đến nay chưa đạt như kỳ vọng.
Giải ngân kế hoạch đầu tư công Bình Dương chưa đạt như kỳ vọng
Theo Nghị quyết số 48 ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh Bình Dương thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2024 với vốn ngân sách nhà nước của tỉnh là 22.000 tỷ đồng, tăng 6.722 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (15.278 tỷ đồng).
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 29/11, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 8.498 tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch. Ước tỷ lệ giải ngân cả năm (sau khi điều chỉnh kế hoạch vốn) là 79,7%.
Trong đó, riêng với các công trình trọng điểm, giá trị giải ngân là 5.730 tỷ đồng, đạt 34,3%. Ước tỷ lệ giải ngân cả năm là 79,1%.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến nay chưa đạt như kỳ vọng. Lượng vốn còn chưa giải ngân khá lớn, tập trung chủ yếu ở các công trình trọng điểm, dẫn đến áp lực giải ngân cao trong thời gian còn lại cuối năm.
Các công trình trọng điểm chưa đảm bảo hoàn thành tiến độ như kế hoạch và cam kết các chủ đầu tư đã đăng ký từ đầu năm. Một số công trình, dự án bị "trượt" tiến độ nhiều tháng so kế hoạch đề ra.
Tỉnh cũng chưa huy động đủ nguồn vốn cho đầu tư công theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Nguồn vốn từ Đề án khai thác nguồn lực từ đất đến nay chưa phát sinh, ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân của các đơn vị chủ đầu tư.
Theo UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công còn chậm do nhiều nguyên nhân. Trong đó, Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nhưng các văn bản hướng dẫn chậm ban hành, ảnh hưởng công tác thực hiện của một số dự án.
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 tạo ra chênh lệch lớn về giá đất, ảnh hưởng để quá trình giải phóng mặt bằng của các đơn vị.
Trong tổ chức triển khai, công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công.
Thi đua cao điểm giải ngân kế hoạch đầu tư công Bình Dương
Bà Trương Thị Minh Hạnh - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) cũng cho biết, thực tế tiến độ thực hiện một số công trình, dự án còn khá chậm. Nếu chưa điều chỉnh giảm nguồn vốn từ Đề án khai thác nguồn lực từ đất thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch của HĐND tỉnh là khá thấp.
Công tác thẩm tra của HĐND tỉnh cho thấy, nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm là do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chậm trong ban hành giá đất cụ thể, vướng về di dời điện, tái định cư, nguồn vốn đưa vào bố trí đầu tư công không thể thực hiện.
Ông Võ Văn Minh cho biết, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thi đua cao điểm giải ngân vốn đầu tư công để giao chỉ tiêu giải ngân cho từng chủ đầu tư, đẩy mạnh giải ngân trong thời gian còn lại của năm 2024.
UBND tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh Kế hoạch Đầu tư công năm 2024, cắt giảm điều chuyển vốn các dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng giải ngân cao, và đảm bảo phù hợp Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, tỉnh xây dựng dự kiến kế hoạch Đầu tư công 2025 trình HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, nguồn vốn ngân sách chi cho đầu tư công theo công văn số 8222 ngày 8/10/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hơn 19.595 tỷ đồng; nguồn vốn thực hiện theo nghị quyết của Tỉnh ủy là 36.000 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.