ừ chỗ cho trồng tạm, 3 cây cổ thụ khủng này bị chủ "bỏ rơi" khiến người cho mượn đất khốn khổ vì không có mặt bằng làm nhà cho con cái và sống run sợ vì lo cây đổ vào nhà mỗi ngày.
Bà Đặng Thị Lan cho biết, đáng lẽ hồi tháng 6 năm ngoái, con cái của bà đã cất nhà lên khoảnh đất hiện là nơi 3 cây quái thú đang "xanh cây bén rễ", nhưng kế hoạch đó bị đổ vỡ hoàn toàn, vì chủ cây không quay lại nhận và di chuyển 3 "cụ cây khủng" đi nơi khác.
Ban đầu, vì thông cảm cho việc họ chở cây đi không được do trái Luật giao thông, để cây nằm lâu ngày trên xe tải siêu trường siêu trọng cũng không xong, sợ cây "chết oan", nên bà Lan mủi lòng cho chủ cây mượn đất làm nhà ở để gửi tạm 3 "cụ cây" này lại Huế.
"Làm ơn phải tội" - từ đó đến nay, cả nhà bà Lan luôn sống trong sợ hãi vì sợ các "cụ cây khủng" này đổ ngã, đè chết người, do nhà bà Lan quá sát bên các cây. Bà Lan cho biết, chưa hề nhận được đồng tiền bồi dưỡng nào từ chủ cây!
"Giờ đã qua mùa bão nên đỡ sợ hơn, nhưng do cây cao to, lại nằm rất gần nhà, sợ cây đổ đè vào, nên cả gia đình vẫn sống trong lo lắng, đếm từng ngày bất an vì những cây này", bà Lan bày tỏ.
Đặc biệt, hiện 1 trong 3 "cụ cây khủng" đã chết dần từ ngọn, một đoạn thân dài to lớn từ trên cao trở xuống gốc đã khô tróc da vỏ. Ngọn to của cây rồi sẽ mục gãy rơi xuống phía dưới, đè lên nhà cửa hoặc thình lình rơi trúng người trong nay mai. Để xử lý ngọn khô này không hề đơn giản.
Khác các loại cây gỗ cứng khác, những "cụ cây khủng" này là loài đa sộp, thân xốp, tán lạ rậm, dễ đổ ngã, đứt gãy thân cành khi có gió bão, kèm mưa rất lớn. Do đó, thật dễ hiểu khi cả gia đình bà Lan phải "sống sợ", sống bất an bên những cây đa cổ thụ "ngoại lai" này.
Dù liên hệ nhiều lần, nhưng chủ cây hứa vào Huế xử lý để di chuyển cây đi rồi lại lờ. Thời gian gần đây, bà Lan cho biết khi gọi điện cho chủ cây Kiều Văn Chương nhiều lần, nhưng ông này không bắt máy. Chủ đất mất liên lạc với chủ cây. Còn cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế hiện vẫn lúng túng, chưa biết phải "xử" 3 cây đa cổ thụ có nguồn gốc từ núi rừng Tây Nguyên này như thế nào.
Theo một lãnh đạo UBND thị xã Hương Thủy, chính quyền địa phương đã họp nhiều phiên nhưng vẫn chưa có phương án tối ưu nhất để xử lý 3 cây cổ thụ này. Sắp tới, nếu chủ cây không vào Huế phối hợp xử lý, chính quyền địa phương sẽ cho di cây đến gửi tại nghĩa trang hoặc đình chùa nào đó trên địa bàn.
Như Tiền Phong đã thông tin, cuối tháng 3/2018, CSGT tỉnh Thừa Thiên Huế đã chặn bắt 3 cây cổ thụ chở trên xe tải siêu trường siêu trọng, do vi phạm quá khổ quá tải và không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi từ Tây Nguyên lưu thông qua địa bàn. Đích đến của cây là một tỉnh, thành phía Bắc. Chủ cây là ông Kiều Văn Chương (Hà Nội).
Sau khi chủ cây bổ sung giấy tờ thủ tục chứng minh nguồn gốc cây, 3 'cụ' cổ thụ này lại vướng vấn đề quá khổ quá tải đường sá, cầu cống do chưa tìm được phương tiện vận chuyển phù hợp, nên phải nằm lại đất Huế từ gần 3 năm nay, và chưa biết đến bao giờ mới được di chuyển đi nơi khác.
Ngọc Văn (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.