Gạo Việt ngược sang Thái: Nhà nước, nông dân thất thu

Thứ sáu, ngày 24/08/2012 15:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc lúa gạo chảy từ Việt Nam sang Thái Lan, có thể không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực của ta. Tuy nhiên, qua chuyện này cho thấy chính sách thu mua tạm trữ của ta bộc lộ nhiều yếu kém.
Bình luận 0

Trước đây, lúa gạo từ Campuchia chảy về Việt Nam. Đây là chuyện bình thường bởi người Việt sang Campuchia thuê đất trồng lúa rất nhiều. Hơn nữa, ở Việt Nam giá lúa cao hơn Campuchia nên đưa về Việt Nam bán tốt hơn.

Gần đây, hiện tượng gạo Việt chảy ngược sang Campuchia rồi từ đây sang Thái Lan là do quy luật cung - cầu. Lâu nay, Chính phủ Thái Lan có chương trình trợ giá cho nông dân nên giá thu mua lúa gạo khá cao. Theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”, chỗ nào có giá cao thì hàng hóa sẽ tập trung về đó.

Đầu năm đến nay, Chính phủ đã 2 lần có quyết định thu mua tạm trữ gạo tại khu vực ĐBSCL theo đề nghị của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các bộ. Lần 1 thực hiện từ ngày 15.3 đến 30.4 với khối lượng 1 triệu tấn gạo. Lần 2 là nửa triệu tấn từ ngày 15.7 đến 15.8 vụ hè thu. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo trong thời gian qua đã không đạt được mục đích đảm bảo cho nông dân trồng lúa có lời từ 30% trở lên. Thậm chí, có nơi nông dân phải ngậm ngùi bán lúa dưới giá thành để trang trải nợ nần, lãi vay…

Riêng vụ hè thu này, chương trình thu mua tạm trữ lộ rõ một số vấn đề bất cập. Thứ nhất, toàn vùng ĐBSCL nông dân xuống giống khoảng 1,6 triệu ha lúa. Sản lượng quy thóc ước đạt 7 – 8 triệu tấn. Trong số này, hơn một nửa sẽ là lúa hàng hóa. Do đó, gói tạm trữ nửa triệu tấn gạo thực chất chẳng thấm vào đâu so với lượng lúa hàng hóa trong dân.

Thực tế, gói tạm trữ này chỉ đủ sức “cầm giá” chứ không làm tăng giá được. Thứ hai, vụ hè thu nông dân thu hoạch từ tháng 6, giờ đã là tháng 8 mà vẫn còn hàng trăm ngàn ha lúa chưa thu hoạch. Chương trình thu mua chỉ gói gọn trong 1 tháng, quá ngắn so với nhu cầu của nông dân. Hơn nữa, hiếm có nông dân nào bán lúa trực tiếp cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ. Họ phải qua nhiều tầng nấc thương lái. Cho nên, nông dân vẫn khó hưởng lợi từ chương trình tạm trữ.

Chính phủ Thái Lan có chương trình trợ giá cho nông dân của họ. Còn ta có chính sách thu mua tạm trữ là để điều tiết thị trường đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cũng như Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay chính sách này hiệu quả chưa tương xứng. Khi giá gạo thị trường lên cao, doanh nghiệp xuất gạo bán, thu lợi nhuận, nhưng không chia sẻ lợi ích này với nông dân. Như vậy, chỉ số ít doanh nghiệp có lợi, còn nông dân hầu như không được gì cả.

Việc lúa gạo chảy từ Việt Nam sang Thái Lan, có thể không ảnh hưởng gì đến an ninh lương thực của ta. Nếu giá lúa gạo có tăng lên, nông dân sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, qua chuyện này cho thấy chính sách thu mua tạm trữ của ta bộc lộ nhiều yếu kém. Bộ Công Thương, ngành lương thực vẫn chưa làm tốt công tác thu mua và nông dân vẫn chưa được hưởng lợi. Sự yếu kém này không chỉ gây thất thu cho nông dân mà còn thất thu cho ngân sách nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem