Gạo Việt vào siêu thị Singapore

Thứ hai, ngày 13/06/2016 08:15 AM (GMT+7)
Phải mất 3 năm đi lại giữa Việt Nam và Singapore để tìm hiểu, tiếp cận thị trường, gạo Cỏ May mới được lên kệ siêu thị ở quốc gia này.
Bình luận 0

Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân gạo Cỏ May có trụ sở ở Đồng Tháp cho biết, sau 3 năm chạy đôn đáo tìm hiểu và tiếp cận thị trường Singapore thì đến tháng 3/2016 gạo Cỏ May chính thức xuất lô hàng đầu tiên trên 100 tấn sang thị trường này. Toàn bộ lô hàng trên được bán trực tiếp tại 2 siêu thị Fortune và BigBox của Singapore với mức giá niêm yết 2,7-3,3 USD một kg (hơn 60.000 đồng).

“Trong hơn 2 tháng chúng tôi đã xuất được 2 lô với tổng số lượng trên 150 tấn. Mặc dù mới vào thị trường này được vài tháng nhưng gạo của công ty đã nhận được khá nhiều tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng nơi đây. Xét về tính cạnh tranh, gạo Việt Nam không chỉ dẻo, thơm mà đa phần mới hơn so với gạo Thái Lan. Tuy nhiên, vì gặp khó trong xuất khẩu nên sau 3 năm nay chúng tôi mới vào được thị trường này”, ông Thiện nói.

img

Gạo Cỏ May tại hệ thống siêu thị BigBox Singapore. Ảnh: KH.

Chia sẻ về chặng đường chông gai khi mang gạo sang thị trường Singapore, ông Thiện cho biết, ngay từ thời điểm năm 2010 công ty đã có ý định xuất hàng sang những thị trường tiềm năng như Singapore, Malaysia và Hong Kong nhưng gặp khó với Nghị định 109. Bởi theo Nghị định này, những doanh nghiệp nhỏ không được xuất khẩu gạo nếu không đủ một loạt điều kiện, như có kho chuyên dụng chứa 5.000 tấn, có nhà máy xay xát... Nếu không đạt các yêu cầu trên, doanh nghiệp phải xuất qua một công ty khác, thông thường là tổng công ty lúa gạo của Việt Nam. Còn với Singapore, Chính phủ nước này bắt doanh nghiệp ngoại nếu xuất khẩu vào đây phải có kho chứa gạo lớn nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Trước tình cảnh đó, xoay sở bằng nhiều cách, doanh nghiệp quyết định chọn hướng thành lập một công ty phân phối ở Singapore. Công ty này sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm đối tác, tìm hiểu những điều kiện, yêu cầu của đơn vị thu mua để giúp sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn. Đến đầu năm 2014, Cỏ May chính thức chọn gạo Nosavina – một sản phẩm mà công ty đã bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng thương hiệu từ năm 2008. Công ty cũng lên kế hoạch xuất 300 tấn đầu tiên sang thị trường này, nhưng cuối cùng thất bại. Nguyên nhân là do thương hiệu Nosavina gặp vấn đề về nhãn hiệu và vướng mắc về sở hữu trí tuệ khi trùng tên với Công ty Nosafood.

“Chúng tôi phải năm lần bảy lượt bay đi bay lại thị trường này để tìm kiếm một hướng đi mới, cuối cùng quyết định xây dựng thương hiệu gạo mang chính tên công ty. Sau khi đáp ứng đầy đủ các quy định khắt khe từ phía siêu thị thì năm nay gạo Cỏ May mới chính thức được lên kệ tại Singapore”, ông Thiện bộc bạch và cho biết thêm, ngoài việc thành lập công ty tại Singapore, ông còn tuyển nhân viên là người bản địa vì chỉ họ mới hiểu nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, đối tác nào là tiềm năng.

Kiên trì để thành công ở thị trường nước ngoài, nhưng tại nội địa, Cỏ May lại gặp không ít trở ngại. Ngoài việc đưa được hàng vào bán trong hệ thống siêu thị Metro, phân phối rải đều khắp các chợ, đại lý tại miền Trung và miền Bắc với số lượng vài chục nghìn tấn mỗi năm, nhưng riêng tại TP.HCM, sản phẩm của công ty lại bị đánh bật hơn chục năm nay. Ông Thiện giải thích là do TP.HCM nằm ngay cửa ngõ miền Tây – thủ phủ của gạo nên sản phẩm Cỏ May bị cạnh tranh mạnh về chủng loại cũng như giá cả.

Dẫu vậy, vị doanh nhân này khẳng định, công ty sẽ chính thức trở lại "đánh chiếm" thị trường vào cuối năm nay. Sản phẩm cung ứng tại TP.HCM sẽ mang một diện mạo mới, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Về vùng nguyên liệu, Cỏ May đang kết hợp với các đại lý thu mua và người nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Theo đó, các đại lý sẽ là đơn vị chủ động cung cấp vốn, phân bón và bao tiêu sản phẩm với giá tốt cho người dân. Đến mùa thu hoạch, những hạt lúa chất lượng sẽ trải qua quy trình tuyển chọn của công ty, đưa đến nhà máy đã được xây dựng quy chuẩn khắt khe để chế biến. Trong nhà máy này, công ty còn đầu tư hệ thống máy tách màu để loại bỏ những hạt gạo không đạt tiêu chuẩn trước khi đóng gói.

Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May do ông Phạm Văn Bên - vị doanh nhân được biết đến rộng rãi khi dành 40 tỷ đồng xây ký túc xá miễn phí cho sinh viên nghèo tại Đại học Nông Lâm TP.HCM. Công ty ra đời năm 1986 với việc sản xuất xà bông, nhưng đến 1990 vì gặp khó nên ngừng sản xuất mặt hàng này và chuyển sang kinh doanh lương thực. Trải qua 30 năm xây dựng thương hiệu, gạo Cỏ May dần được biết đến.

Đến năm 2002, ông Bên phát hiện mình bị bệnh sơ gan và qua đời vào tháng 4/2016 ở tuổi 67 tại Đồng Tháp. Trước khi qua đời, ông Bên giao lại toàn bộ công ty cho con trai là Phạm Minh Thiện quản lý. Đồng thời, ông Thiện sẽ thay ông tiếp tục lo hoàn chỉnh ký túc xá, xét chọn sinh viên nghèo, học giỏi trên khắp cả nước học tại TP.HCM.

Thi Hà (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem