"Binh khuyển" ở Trường Sa
Điều làm tôi ngạc nhiên và khá thú vị là ở trên đảo Trường Sa, nơi cách đất liền hàng nghìn hải lý lại có cả hoạt động huấn luyện chó nghiệp vụ. Thượng úy Vũ Khắc Biên (trường Trung cấp Huấn luyện chó nghiệp vụ, Học viện Biên phòng), người phụ trách đội huấn luyện chó nghiệp vụ cho biết, hằng ngày, đàn chó phải rèn luyện nâng cao... thể lực.
Nhiều người gọi chúng là "binh khuyển". Nhiệm vụ của thượng úy Vũ Khắc Biên hằng ngày gắn liền với những đồng đội rất đặc biệt: ba "chiến sĩ bốn chân" Mika, Kakốp và Manlơ. Đó là những chú chó nghiệp vụ tinh khôn, đã lập nhiều chiến công trên đất liền. Điển hình là vai trò của chúng trong các vụ đánh án ma túy ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Một khó khăn khác là chế độ dinh dưỡng cho các chiến sĩ đặc biệt này. Khẩu phần cho "binh khuyển" khá tốn kém, thậm chí cao hơn cả lính bộ binh. May mắn thay, Mika, Kakốp, Manlơ nói riêng, đàn chó nghiệp vụ ở Trường Sa nói chung, khá "dễ tính", có thể ăn được thịt hộp, cá biển, cơm, rau...
Đến giờ, Mika, Kakốp, Manlơ đều đã trở thành những chiến sĩ hải quân đặc biệt ở Trường Sa. Ngoài việc "rèn luyện" nâng cao thể lực, cả ba còn thực hiện tốt các phương án diễn tập chống người nhái, biệt kích. Chẳng hạn, các phương án đánh chặn từ ngoài bờ kè và đánh bắt khi địch đã xâm nhập đều được từng "binh khuyển" hoàn thành xuất sắc.
Đảo chìm
Chuẩn bị cho chuyến đi Trường Sa, tôi tìm đọc cuốn "Đảo chìm" của Trần Đăng Khoa để có những hình dung ban đầu về những hòn "đảo nhỏ quá, nói một câu là hết". Trên 5 đảo chìm Đá Lát, Đá Tây, Tốc Tan, Núi Le, Thuyền Chài chúng tôi đặt chân tới, cái tính tếu táo, lạc quan của lính đảo ngày ấy giờ vẫn còn nguyên vẹn.
Những kỷ luật quân sự, tinh thần cảnh giác lúc nào cũng ở mức cao độ, "buông neo" cho Tổ quốc khỏi dạt trôi. Chỉ khác, không còn hình ảnh lều bạt dã chiến dựng trên bãi cát to bằng nong thóc mà giờ là những ngôi nhà ba tầng kiên cố; Không còn cảnh rận chui vào chăn cắn chiến sĩ mỗi ngày mà giờ, mỗi người có một góc riêng, không còn cảnh nước thủy triều lên thì ôm chăn chiếu lên cao chạy nước...
Đảo chìm là những bãi san hô lộ thiên giữa biển nước bao la khi thủy triều rút xuống. Và đảo chìm cũng có hai dạng hoàn toàn không giống nhau: Ở những bãi san hô nằm sâu dưới mặt biển chừng vài ba chục mét, những người lính biển làm nhà giàn như những tổ chim câu; Còn ở những bãi san hô cạn, họ lại xây móng, đôn nền, rồi dựng lên trên đó những ngôi nhà tầng kiên cố.
Hành trình vào thăm đảo của chúng tôi cũng gặp lắm gian nan do sự phức tạp của chế độ thủy triều nơi đây. Thủy triều ở Trường Sa là chế độ bán nhật triều, mỗi ngày có 2 lần nước lên xuống. Dù đã có bản đồ thủy triều song nếu không tính toán cẩn thận, nhìn thấy đảo rồi mà không thể vào được. Sáng sớm ngày 20/4, chiếc xuồng chở chúng tôi vào đảo Thuyền Chài bị "thương nặng" do va phải các bãi san hô. May mắn, chúng tôi vẫn vào đảo và trở về an toàn.
|
Rau muống trên đảo Tốc Tan |
Vua hoa bàng vuông
Ngoài sự hiện diện của cây phong ba, bão táp, Trường Sa còn có bàng vuông, một loại cây thể hiện sức sống của con người biển đảo. Bàng vuông còn có tên gọi bàng bí, cây thuốc cá, thuốc độc biển... là thực vật bản địa ở rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới và đảo.
Sách đỏ Việt Nam xếp loại bàng vuông ở mức độ đe dọa bậc hiếm. Hoa bàng vuông màu trắng, mọc thành chùm ở đầu cành, dài 10 - 20cm. Quả có đường kính khoảng 9 - 11cm, hình đèn lồng 4 hoặc 5 cạnh vuông, bên trong là lớp xơ xốp dày bao bọc một hạt có đường kính 4 - 5cm. Quả bàng vuông phát tán bằng cách trôi nổi trên biển, nó có thể trôi nổi đến 2 năm mà không bị hỏng.
Tất cả các phần của quả bàng vuông đều có độc tính, trong các chất độc có cả các chất saponin. Hạt bàng vuông từng được xay thành bột để giết hoặc làm cá bị tê liệt khi đánh cá. Khi thiếu lá dong, bộ đội Việt Nam đóng trên quần đảo này dùng lá loài cây này để gói bánh chưng đón Tết.
|
Vườn rau trên đảo Đá Lát |
Ở các đảo lớn, bàng vuông mọc tự nhiên, cành lá xum xuê chắn gió, chắn sóng bảo vệ dân và bộ đội. Cây bàng vuông được bộ đội chăm chút như một người bạn tri âm, tri kỷ. Trung tá Vũ Minh Thân, đảo trưởng Đảo An Bang cho biết, hạt bàng vuông trôi trên biển có thể sống được hai năm là đặc điểm khó có loài cây nào có được.
Các cây bàng vuông trên điểm đảo này đều là hạt trôi từ biển, được bộ đội ươm mầm và chăm sóc. Hoa bàng vuông nở vào ban đêm. Đến mùa hoa nở, lính trẻ thường rủ nhau rình xem. Sáng sớm, trên đường tuần tra, cả đảo rực rỡ hoa bàng lung linh trong nắng gió. Từ khi nở đến khi tàn khoảng 10 ngày.
Trong hành trình trở về đất liền của tôi cũng không thiếu một trái bàng vuông - thứ quả thể hiện sức sống mãnh liệt của người lính ngoài biển khơi mà không sóng gió bão giông nào có thể vùi dập được.
Trồng rau như chăm con mọn
Những hòn đá mồ côi cũng được coi là thứ "đặc sản" riêng có ở Trường Sa. Ở các điểm đảo chúng tôi ghé chân như Đá Lát, An Bang, Thuyền Chài, vào mỗi buổi chiều khi thủy triều xuống, những hòn đá mồ côi nằm rải rác ven biển như những người lính vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc.
Điều dễ nhận thấy khi đặt chân lên các hòn đảo là những vườn rau xanh tốt giữa biển khơi ầm ào mang tên "Vườn rau Thanh niên". Khó nhất là ở đảo chìm. Thiếu đất, thiếu nước ngọt, cộng với khí hậu khắc nghiệt, việc trồng rau ở đảo chìm quả là rất khó.
Chiến sĩ Nguyễn Hữu Thủy, đảo Đá Lát cho biết, việc trồng rau xanh trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu nước một lẽ, phần gió biển mang muối táp hết ngọn non, lá như bị cháy. Cứ phải che nắng và che gió 24/24, may ra mới có rau ăn thường xuyên. Mồng tơi, cải bẹ, dền, rau muống, bạc hà... mỗi loại vài luống. Ở một số đảo, vườn rau được chắn gió bằng ván ép và mành nhựa. Ngoài giờ huấn luyện, bộ đội lại loay hoay bắt sâu, làm cỏ, tưới nước...
Anh Võ Quốc Toản (đảo Đá Tây) cho biết, việc chăm sóc cho rau không khác gì chăm con mọn. Chỉ lơ là một chút là một con sóng đánh bất ngờ, một trận lốc tố ập đến hất nước biển mặn xuống là cướp sạch cả vườn rau. Vườn rau di động bằng những khay đựng đất, mỗi lúc sóng to gió lớn, sóng dữ thì các chiến sĩ đều phải đem cất các khay đựng rau vào nhà.
Để chống chọi với sóng gió khắc nghiệt các anh phải nghiên cứu đủ mọi cách như nâng độ cao các vườn rau, làm các tấm phên che gió xung quanh và thiết kế cả các mái che di động... Để có diện tích vườn rau lên đến vài chục mét vuông, các chiến sĩ đảo Tốc Tan đã tích cóp theo phương châm "kiến tha lâu đầy tổ", nghĩa là ngoài sự hỗ trợ, cấp phát của đơn vị thì mỗi lần trả phép, anh em lại mang ra một ít hạt giống, một ít phân bón và đất để những vườn rau trên đảo xanh mãi.
"Năm nào chúng tôi cũng đón nhiều đoàn ra thăm với nhiều quà tặng động viên anh em chiến sĩ. Thứ quà chúng tôi rất muốn được nhận là phân và đất, hạt giống rau. Đó là những thứ quý hơn đường sữa, bánh kẹo ở cái nơi đầu sóng ngọn gió này", thiếu tá Trương Ngọc Tuấn, đảo Trường Sa Đông tâm sự.
Theo Bee
Vui lòng nhập nội dung bình luận.