Gặp lại “Em bé da cam”

Thứ năm, ngày 23/12/2010 14:26 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là em bé trong tấm ảnh “Em bé da cam” của nhiếp ảnh gia người Mỹ Ed Kashi vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) trao giải Nhất năm 2010 .
Bình luận 0

Tấm ảnh làm xúc động thế giới này đã ghi lại gương mặt một em bé còn ít người biết ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng-Nguyễn Thị Ly (9 tuổi). Tìm gặp em, chúng tôi gặp một gương mặt tật nguyền nhưng có sức sống mãnh liệt…

Nỗi đau 3 thế hệ

img

3 năm liền, chị em Ly và Mừng đều là học sinh giỏi.

Ngôi nhà Ly đang sống cùng bố mẹ là nhà tình thương. Trong nhà treo rất nhiều ảnh mà Ed Kashi chụp Ly vào hồi tháng 7-2010, khi ông cùng vợ lưu lại đây 4 ngày để tìm hiểu những bất hạnh mà Ly và gia đình đang gánh chịu. Mọi sinh hoạt, học tập của Ly đều được Ed Kashi ghi lại trong một album.

"Dường như trong bé Ly không hề tồn tại bệnh tật, không hề buồn phiền mà em còn truyền cảm hứng, ước mơ sống đến các bạn cùng hoàn cảnh. Có lẽ, khát vọng sống của bé Ly thể hiện trên bức ảnh cũng một phần giúp Ed Kashi đoạt giải". - Bà Nguyễn Thị Hiền -Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng

“Cái album này tôi vừa nhận được từ Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng gửi về làm kỷ niệm. Tôi và gia đình vẫn chưa biết gì về bức ảnh chụp bé Ly đoạt giải của UNICEF. Giờ nghe nói tôi mới biết”-chị Lê Thị Thu, mẹ Ly, cho biết.

Chị Thu kể: “Vợ chồng tôi lấy nhau năm 1999. Ngày Ly cất tiếng khóc chào đời, 2 vợ chồng đã rơi nước mắt. Ly sinh ra chỉ có 1,7kg, khuôn mặt méo mó và phải sống trong lồng kính đến 2 tháng. Bao nhiêu tiền dành dụm của 2 vợ chồng đều đổ hết vào lo cho con. Càng lớn, khuôn mặt Ly càng biến dạng, ốm đau triền miên, cổ họng hình lòng chảo, mỗi khi thở là xương ép vào tim…”.

Chị Thu cho biết, mình mang di chứng chất độc da cam từ người cha, ông Lê Duy Tính (73 tuổi, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Người anh của chị là Lê Duy Tình chết lúc 8 tuổi vì chất độc da cam. Đến năm 24 tuổi, chị rời quê vào Đà Nẵng phụ chị họ bán cơm.

Khi anh Dương (bố Ly bây giờ) đem lòng thương chị, chị cũng rất phân vân. “Anh Dương là con trai cả trong gia đình 5 anh em, trách nhiệm nặng nề đè nặng lên vai, tôi không muốn mình là gánh nặng nên quyết từ chối”- chị Thu nhớ lại.

Nhưng vì anh Dương quá quyết tâm, chị cũng xiêu lòng. “Có chồng rồi, tháng 30 ngày, không mấy ngày tôi được khỏe khoắn. Gánh nặng gia đình đặt hết lên vai chồng. Ảnh vất vả quá nên cũng ốm đau luôn”- chị Thu nói trong nấc nghẹn!

Con muốn lớn lên làm cô giáo!

Co ro trong cái lạnh mùa đông, bà Trần Thị Xuân (73 tuổi, mẹ anh Dương) cho biết: Vợ chồng Dương, Thu có thai lần đầu nhưng bị mất. Lần thứ 2 mới được bé Ly. Một năm sau, vợ chồng Thu lại sinh được đứa con trai khỏe mạnh, cả nhà vui mừng đặt tên con là Mừng (Nguyễn Quang Mừng).

Dù sinh trước Mừng 1 năm, nhưng do đau yếu nên bé Ly phải bỏ học giữa chừng năm lớp 1. Hiện cả hai chị em cùng học lớp 3 (Trường TH Phạm Hồng Thái, Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn). Bé Ly tuy cơ thể ốm yếu và gương mặt méo mó, nhưng hồn nhiên, học giỏi. 3 năm học liền, chị em Ly đều là học sinh giỏi của trường.

Hỏi về ước mơ, bé Ly nhỏ nhẹ: “Con chỉ mong được đi học. Sau này con muốn làm cô giáo như cô giáo của con bây giờ”.

Khuôn mặt biến dạng nhưng nụ cười của Ly vẫn hồn nhiên, ngây thơ. Sức mạnh tinh thần tiềm tàng của Ly là liều thuốc để vợ chồng anh Dương, chị Thu vơi bớt nỗi đau oằn nặng trên vai. Cảm ơn Ed Kashi đã thêm một lần giúp thế giới biết đến sự tàn khốc của chất độc da cam đối với những con người vô tội Việt Nam!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem