Gặp lại thủ khoa có cái tên ấn tượng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau 8 năm tốt nghiệp

Tào Nga Thứ tư, ngày 12/07/2023 07:13 AM (GMT+7)
Hiện thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2015 là giáo viên tại một trường có tiếng ở Hà Nội và là gương mặt quen thuộc với học sinh trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2015

Năm 2011, cô nữ sinh có cái tên ấn tượng Đoàn Thị Vành Khuyên, sinh năm 1993 đã trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Sư phạm Giáo dục công dân. Năm 2015, Vành Khuyên xuất sắc tốt nghiệp với danh thiệu thủ khoa đầu ra. Không những vậy, trong quá trình học, cô còn đạt nhiều học bổng ở trường và giấy khen Sinh viên năm tốt cấp Thành phố.

Hiện tại cô đang là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội đồng thời là giảng viên tại Trường Đại học FPT. Mới đây, cô đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp cụm Ba Đình – Tây Hồ và đạt giải Nhì cuộc thi Giáo viên giỏi cấp Thành phố; tác giả của 5 bài báo trên 2 tạp chí. Đặc biệt, cô cũng là một trong những gương mặt giáo viên nổi tiếng trên mạng xã hội. 

Gặp lại thủ khoa có cái tên ấn tượng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau 8 năm tốt nghiệp - Ảnh 1.

Cô Khuyên đang là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật tại Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Gặp thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2015, trao đổi với PV, cô tiết lộ cơ duyên đến với khoa Sư phạm Giáo dục công dân: "Mình đến với trường, chọn chuyên ngành này cũng rất tình cờ và không có chủ đích trước. Là do bạn cùng lớp mình đã tìm hiểu rồi rủ nộp. 

Hồi đó tính là hai đứa thi cùng và học cùng cho vui, có gì giúp đỡ nhau khi xa nhà sẽ tốt hơn. Nhưng tiếc là sau đó bạn mình lại không dỗ, chỉ có 1 mình mình. Ban đầu mình định đăng ký học ngành Báo chí với Luật".

Mặc dù chỉ là bạn rủ học cùng cho vui nhưng cô Khuyên đã nỗ lực và trở thành thủ khoa đầu ra. Cô Khuyên vui vẻ cho hay: "Mình cũng không có bí quyết gì, chí có động lực thôi. Động lực hồi đó của mình là học bổng. Mình đặt mục tiêu đạt càng nhiều học bổng càng tốt nên cứ cố gắng các môn đạt nhiều điểm A nhất có thể. Sau đó, tự nhiên hết 4 năm, mình được thông báo là thủ khoa, mình cũng rất bất ngờ.

Hồi là sinh viên, mình khá hướng nội, ít giao du và đi chơi bên ngoài. Cuộc sống sinh viên của mình chỉ xoay quanh tới trường và về nhà nên mình có nhiều thời gian. Thời gian đó mình không biết làm gì nên mình hay đọc sách những môn yêu thích. Mình nghĩ đó cũng là lý do giúp mình có thể làm tốt bài thi các môn để đạt điểm cao".

Cô Khuyên cũng cho biết thêm, với danh hiệu thủ khoa đầu ra đã tạo động lực cho cô nhiều hơn chứ không còn là áp lực. Cô luôn nghĩ mình phải làm sao cho xứng với cái danh ấy nên càng thôi thúc cô phải trau dồi bản thân nhiều hơn nữa, học hỏi nhiều hơn nữa để hiểu biết rộng hơn từ đó mang được nhiều giá trị tốt cho học sinh, cho mọi người xung quanh.

Gặp lại thủ khoa có cái tên ấn tượng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau 8 năm tốt nghiệp - Ảnh 2.

Cô Khuyên cho biết, với danh hiệu thủ khoa đầu ra đã tạo động lực cho cô nhiều hơn chứ không còn là áp lực. Ảnh: NVCC

"Giáo dục phải bắt nguồn từ sự tự nguyện và hứng thú của học sinh"

Đam mê học tập nên sau khi ra trường đi làm cho một trường THPT có tiếng, toàn bộ tiền lương của cô Vành Khuyên những năm đầu tiên tiếp tục đầu tư cho việc học. Cô đã học tiếp lên thạc sĩ và thêm một số lĩnh vực khác. 

Với câu nói "nghề giáo nghèo", cô Khuyên thổ lộ: "Câu này mình biết từ khi còn là học sinh, tới khi đi làm thì đúng là... nghèo thật. Tuy nhiên, sau nhiều năm đi dạy mình thấy một điều ở nghề giáo mà các nghề khác không thể có được đó là nhận lại rất nhiều giá trị tình cảm. Khi mình nhận được nhiều tình cảm yêu quý của các học trò thì đó cũng chính là động lực để em tâm huyết hơn nữa với nghề".

Mặt khác, cô Khuyên cũng chia sẻ, công nghệ 4.0 ra đời đòi hỏi giáo viên phải thay đổi rất nhiều về phương pháp giảng dạy để phù hợp với thời đại. Là giáo viên trẻ nên cô không khó khăn trong việc áp dụng công nghệ. Cô luôn cố gắng tận dụng nhiều nhất có thể các ứng dụng công nghệ vào dạy học nhằm mục đích khai thác kiến thức bài dạy một cách phong phú hơn, thuận tiện hơn, đồng thời tăng sự hấp dẫn các tiết học của mình giúp cho học sinh đạt hiệu quả mà không nhàm chán.

Phương châm dạy học của cô "Giáo dục không phải là ép buộc. Giáo dục phải bắt nguồn từ sự tự nguyện và hứng thú của học sinh".

Gặp lại thủ khoa có cái tên ấn tượng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sau 8 năm tốt nghiệp - Ảnh 3.

Cô Khuyên và học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Khi được hỏi về cái tên rất đặc biệt của mình, cô Khuyên kể chưa bao giờ thấy ai có cả tên và đệm trùng: "Đi đâu mình cũng bị chú ý vì cái tên. Ban đầu cũng ngại nhưng lâu dần thấy quen và đôi khi thấy thích thú vì mình trở nên đặc biệt. Mình không biết bố mẹ em có trêu không nhưng nghe bố mẹ bảo là đặt tên này để hát cho hay. Tiếc là mình chỉ biết "hót" như chim chứ không hát hay được".

Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, cô Khuyên cho biết dự kiến sẽ học thêm một số khóa học để trau dồi thêm chuyên môn và vốn hiểu biết. Bên cạnh đó, cô cũng sẽ tiến hành quay và cho ra mắt khoá học trực tuyến môn Giáo dục kinh tế và pháp luật theo chương trình sách giáo khoa lớp 12 mới.

Tư vấn về kỳ xét tuyển đại học năm 2023, cô Khuyên nêu ý kiến: "Mình nghĩ năm nay sẽ có sự cạnh tranh cao hơn trong những khối có môn Giáo dục công dân bởi điểm học sinh đạt được tương đối cao.

Về vấn đề chọn ngành, các em hãy ưu tiên chọn những ngành ở những trường mong muốn nhất xếp lên trước. Các em nên tham chiếu phổ điểm và điểm chuẩn của năm trước để cân nhắc lựa chọn trường sao cho phù hợp với khả năng của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem