Từ người lính Cụ Hồ...
Đến vườn nhãn lồng của gia đình ông Thinh những ngày này đi đến đâu chúng tôi cũng thấy các cây nhãn sai trĩu quả. "Năm nay thời tiết ủng hộ cây đặc sản quê hương được mùa lớn nên bà con đất nhãn phấn khởi lắm"- ông Thinh nói..
Ông Trịnh Văn Thinh kiểm tra chất lượng nhãn trước khi thu hoạch tại vườn của gia đình ở xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên (Hưng Yên). Ảnh: Trần Quang
Với thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giỏi, hai năm liền, 2016, 2017 ông Trịnh Văn Thinh vinh dự được Bộ NNPTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam trao giải thưởng “Sao Thần nông”. Năm 2016, ông Thinh nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT vì có thành tích xuất sắc góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.
|
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vườn của gia đình, ông Thinh kể: Ngày từ chiến trường trở về, gia đình ông chỉ có 4,5 sào ruộng đầm trũng, cấy lúa kém hiệu quả, thấy vậy ông mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng này sang trồng nhãn Hương Chi, một loại đặc sản có sẵn ở đất Hưng Yên lúc bấy giờ.
Sau nhiều năm vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, đầu những năm 2000, gia đình ông đã có nguồn thu đầu tiên từ loại cây đặc sản này. Thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2005, ông Thinh tiếp tục mở rộng diện tích nhãn lên 1 mẫu với 4 giống nhãn là: Hương chi (chiếm 80%), nhãn cùi, đường phèn, nhãn chín muộn (chiếm 20%). Từ đó, sản lượng nhãn của gia đình ông tăng lên 5 – 6 tấn/năm. Tuy nhiên, đầu ra của quả nhãn còn bấp bênh do phụ thuộc vào thương lái.
Từ trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng, sản lượng và giá trị nhãn lồng, năm 2006, ông Thinh tích cực phối hợp với Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), các ngành chức năng và UBND xã Hồng Nam khảo sát thị trường, tìm hiểu tình hình sản xuất và nhu cầu của các hộ trồng nhãn để thành lập Hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Hồng Nam.
Là người đứng đầu một HTX về nhãn lồng đầu tiên ở Hưng Yên, khi đó, ông Thinh cùng các hộ dân ở Hồng Nam quyết tâm xây dựng quy trình sản xuất tập thể, học hỏi kỹ thuật canh tác rồi tự bảo nhau thực hiện. Cùng với đó, ông Thinh và các thành viên cũng bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhãn lồng đặc sản quê mình.
Ông Thinh cho biết: "Những ngày đầu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm. Người dân cũng không mặn mà và tin tưởng lắm. Do đó, tôi phải đi sâu vào tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm các chuyên gia, nhà khoa học về tập huấn cho bà con để người dân tin tưởng và thấy được lợi ích của việc vào HTX".
"Chỉ khi tham gia HTX, những hộ, cá nhân có diện tích nhãn đang cho thu hoạch được tập huấn khoa học kỹ thuật, thống nhất quy trình chăm sóc và thu hoạch, bảo quản nhãn thì mới có thể nâng cao được năng suất cũng như đảm bảo giá trị, thị trường đầu ra cho sản phẩm"- ông Thinh chia sẻ.
...Đến người đứng đầu HTX "trăm triệu"
HTX Nhãn lồng Hồng Nam hiện có 26 thành viên với tổng diện tích trên 10ha nhãn, sản lượng mỗi năm trên 120 tấn quả. Hiện nay, nhãn lồng của HTX đã được bày bán trong nhiều chuỗi siêu thị lớn trong nước như: BigC, Fivi Mart, Intimex… với số lượng khoảng 30 tấn/năm, giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với bán cho thương lái đến thu mua.
|
Ngay năm đầu tiên thành lập, HTX đã ký được hợp đồng đưa gần 5 tấn nhãn lồng vào bán trong siêu thị Metro với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường. Năm 2008, nhãn Hồng Nam được chứng nhận nhãn hiệu, sản phẩm có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Uy tín của ông Thinh, của HTX Nhãn lồng Hồng Nam vì thế tăng lên rõ rệt.
Cũng thời gian này, nhãn Hồng Nam được chứng nhận nhãn hiệu, sản phẩm chính thức có tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, ông Thinh cùng các hộ dân triển khai trồng nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông tích cực tuyên tuyền để bà con từ việc canh tác theo phương thức truyền thống nay chuyển sang một quy trình chặt chẽ từ khâu chăm sóc cho đến khi xuất bán ra thị trường, đảm bảo an toàn về chất lượng, mọi quy trình sản xuất đều được ghi chép nhật ký rõ ràng.
"Lúc đầu làm nhãn theo phương pháp mới nhiều hộ không quen, có hộ còn sợ tốn công, tốn kém không dám làm, có người còn bảo tôi ngông cuồng thích thể hiện nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả và cố gắng làm tốt để bà con cùng làm theo"- ông Thinh nhớ lại.
Nhờ nổ lực không mệt mỏi của ông Thinh và các thành viên trong HTX nhãn lồng Hồng Nam mà giờ đây nhãn Hồng Nam đã có đường đường chính chính vào các siêu thị lớn và bán chạy như tôm tươi.
Sau một thời gian áp dụng quy trình sản xuất nhãn theo hướng VietGAP, gia đình ông Thinh đã thu được những thành quả bước đầu, sản phẩm nhãn có mã đẹp, chất lượng tốt và rất an toàn nên bán được giá cao. Nhìn thấy được sự khác biệt, các vụ sau không ai bảo ai, bà con trong thôn, xã đều theo làm.
Hiện, toàn xã Hồng Nam có hơn 200 hộ áp dụng sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, khi vào vụ bà con cung cấp hàng tấn nhãn mỗi ngày cho nhiều hệ thống siêu thị lớn như Vinmart, BigC, Fivimark…
Trong đó, riêng HTX Nhãn lồng Hồng Nam đã có 26 thành viên với tổng diện tích trên 10ha nhãn, sản lượng mỗi năm trên 120 tấn quả. Hiện nay, nhãn lồng của HTX đã được bày bán trong nhiều chuỗi siêu thị lớn trong nước như: BigC, Fivi Mart, Intimex… với số lượng khoảng 30 tấn/năm, giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với bán cho thương lái đến thu mua.
Bằng tư duy nhạy bén của mình, ông Thinh cùng với các thành viên trong HTX tích cực quảng bá hình ảnh nhãn lồng Hồng Nam đến người dân khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua những buổi hội chợ, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… Không những vậy, vụ nhãn này, HTX đã đón khoảng 30 đoàn khách về tham quan và bán được 3 tấn quả với giá 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Ông Thinh cho biết: “Từ khi HTX Nhãn lồng Hồng Nam được thành lập, trình độ thâm canh nhãn của các thành viên được nâng lên. Đặc biệt, giá trị sản phẩm đã được nâng cao hơn nhiều so với trước kia nên thu nhập của người trồng nhãn cũng được nâng lên. Đến nay các thành viên trong HTX đều có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong thời gian tới, HTX Hồng Nam sẽ định hướng phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi, tạo ra sản phẩm an toàn, khẳng định giá trị thương hiệu nhãn lồng trên thị trường.
Ông Thinh cho biết, vụ nhãn năm nay sản lượng tăng cao hơn nhiều so với mọi năm: "Dù nhãn làm ra nhiều nhưng không bao giờ lo ế mà sản phẩm luôn được khách hàng các nơi săn đón”- ông Thinh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.