Theo các hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL, hiện giá cá tra nguyên liệu đối với loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8g - 1 kg/con) được các doanh nghiệp (DN) thu mua chỉ 19.000 – 19.500 đồng/kg (mua thiếu 1, 2 tháng). Còn với trường hợp DN mua bằng tiền mặt, giá cá nguyên liệu hiện chỉ còn 18.000 – 18.500 đồng/kg.
|
Giá cá tra giảm mạnh khiến cho người nuôi cá ở ĐBSCL thua lỗ. |
Nông dân đang lỗ nặng
Đây là mức giá thấp nhất trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Với mức giá này, người nuôi đang lỗ từ 3.500 – 5.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Tâm, hộ nuôi cá tra ở Lai Vung, Đồng Tháp, chua chát: “Tôi vừa bán ao cá khoảng 170 tấn nhưng chịu lỗ gần 700 triệu đồng. Dù bán lỗ nhưng các nhà máy vẫn kỳ kèo từ 1,5 - 2 tháng mới thanh toán tiền. Đã lỗ 2, 3 đợt rồi, bà con xung quanh đã treo ao hết, gia đình tôi ráng cầm cự mà tình hình này chắc cũng bỏ nghề luôn”.
“Bán lỗ còn đỡ, nhà bà con của tôi có ao cá 200 tấn mà kêu cả tuần nay không DN nào xuống mua. Nghe nói thị trường gặp khó, DN còn không tiêu thụ hết lượng cá mà DN họ tự nuôi thì lấy đâu ra mua cho người dân” – ông Nguyễn Hữu Nguyên ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết. Theo Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), do không chịu nổi với mức lỗ kéo dài này, khoảng 90% diện tích nuôi cá tra của người dân ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã treo ao bỏ nghề hoặc chuyển qua nuôi các loại cá khác.
Nguyên nhân giá nguyên liệu cá tra giảm, theo các DN là do giá xuất khẩu giảm. Tại thị trường Mỹ, giá xuất khẩu phi lê cá tra còn có khoảng 3 USD/kg, giảm 0,6 – 0,7 USD/kg so với giá tháng 4.2013. Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá cá tra VN tăng gấp 25 – 45 lần thì chỉ còn có 9 DN VN có thuế suất thấp xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Lo sợ nguồn cung thiếu nên các nhà nhập khẩu đã tăng giá thu mua lên 0,5 – 0,7 USD/kg.
Thấy giá cả hấp dẫn, cộng với việc các thị trường khác gặp khó khăn, nên như nước chảy vào chỗ trũng, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 4, 5 tăng vọt lên từ 50 – 70% so với cùng kỳ. Đến cuối tháng 5 vừa qua, Mỹ đã chính thức giữ ngôi quán quân về nhập khẩu cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu hơn 170 triệu USD, trong khi EU rơi xuống vị trí thứ 2.
“Các DN ham ký nhiều hợp đồng quá nên khi thấy sản lượng đã bắt đầu dư thừa thì các nhà NK Mỹ đã hạ giá xuống và giảm sản lượng nhập khẩu. Từ đó ảnh hưởng đến giá cá nguyên liệu trong nước” – ông Hòe giải thích.
Theo VASEP, 6 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu cá tra ước đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ 2012. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu cá tra vẫn còn khó khăn, trong khi 70 – 80% số DN đã có vùng nuôi riêng của mình, nên người dân nên có hợp đồng liên kết bao tiêu với DN trước khi tổ chức thả nuôi đợt mới.
Chật vật tìm thị trường mới
Nhận thấy bài học phải trả cho việc mạnh ai nấy xuất nên 9 DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ đã ngồi lại với nhau thống nhất khống chế mức sản lượng xuất khẩu hàng tháng và giá bán cá tra vào thị trường này.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Vasep, thì 9 DN đã đồng lòng giảm sản lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ trong 6 tháng cuối năm 2013 để đẩy giá bán lên. Việc này cũng nhằm để tránh những vụ kiện vô lý về chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ áp lên DN VN trong thời gian tới.
“May là chỉ còn 9 DN nên việc bàn bạc và thống nhất với nhau cũng dễ hơn các thị trường khác có tới hàng trăm DN xuất khẩu. 9 DN này sẽ ký kết hợp tác với cơ quan hải quan về việc kiểm tra lượng cá tra xuất khẩu vào Mỹ. Nếu phát hiện DN nào xuất khẩu vượt quá sản lượng và giá bán thỏa thuận, cơ quan hải quan sẽ báo với ban điều hành của 9 DN này để ngăn chặn” – ông Dũng cho biết.
Còn tại thị trường EU, để khắc phục tình trạng tranh mua tranh bán, hạ chất lượng để giảm giá bán, làm suy giảm hình ảnh và uy tín của con cá tra VN, VASEP cùng Bộ NNPTNT đang bàn thảo giải pháp đưa cá tra lên sàn giao dịch quốc tế Zeebrugge (Bỉ) để bán đấu giá.
“Ta chọn sàn giao dịch Zeebrugge vì đây là một trong những sàn giao dịch nông sản xuất khẩu, trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn của châu Âu. Thủy sản VN có thể tập trung vào một đầu mối, sau đó dùng tàu biển công suất lớn để vận chuyển sang Bỉ, giúp tiết kiệm chi phí cho DN. Sau khi vào Zeebrugge tham gia đấu giá, thì chỉ trong 24 giờ hàng thủy sản Việt Nam sẽ có mặt tại hơn 86% các siêu thị ở châu Âu, DN đỡ thêm chi phí bảo quản và phân phối hàng hóa. Đặc biệt DN sẽ nhận được tiền ngay khi hàng đã được bán” - ông Dũng phân tích.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.