Giá cá tra Việt Nam: Từ vị thế "ông vua” thành… “kẻ ăn mày”

Minh Khoa (Thế giới Tiếp thị) Thứ tư, ngày 02/12/2015 17:30 PM (GMT+7)
Cá tra Việt Nam được đánh giá là loài thuỷ sản nước ngọt có thịt trắng, thơm ngon duy nhất trên thế giới. Thế nhưng, sau mười năm, cùng với đà giảm sút chất lượng, giá con cá tra từ vị thế "ông vua” trở thành… “kẻ ăn mày”.
Bình luận 0

Các mặt hàng nông sản Việt bán ra nước ngoài chủ yếu dựa trên cạnh tranh về giá. Giá nông sản Việt bét bảng so với thế giới. Đây là hậu quả của nền sản xuất chạy theo số lượng.

Một ngày đầu tháng 12, Kevin Nguyen, giám đốc một công ty thương mại chuyên xuất khẩu nông sản ở TP.HCM xuống nhà máy chế biến cá tra ở An Giang đặt hàng. Trước đó, ông Kevin Nguyen nhận được đơn hàng bốn container cá tra của đối tác Trung Quốc.

Yêu cầu lô hàng là cá tra có trọng lượng trung bình 1,5kg, cắt khúc thành các khoanh, cấp đông (IQF). Giao hàng tại cảng Trung Quốc, thanh toán LC, trả trước 30%, còn lại qua ngân hàng. Kevin Nguyen không tiết lộ giá xuất khẩu, nhưng có một chi tiết mà ông đưa ra đáng để suy nghĩ. Đó là so với cách nay mười năm, giá cá tra vẫn không thay đổi, thậm chí là thấp hơn.

img

Giá con cá tra Việt Nam từ vị thế ông “vua” trở thành… “kẻ ăn mày”.

Mất “ngôi vua”

Cá tra Việt Nam được đánh giá là loài thuỷ sản nước ngọt có thịt trắng, thơm ngon duy nhất trên thế giới. Thế nhưng, sau mười năm, cùng với đà giảm sút chất lượng, giá con cá tra từ vị thế ông “vua” trở thành… “kẻ ăn mày”. Còn nhớ thời hoàng kim, giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ, EU chí ít cũng phải 3, 4 đôla mỗi ký. Vậy mà nay, giá chỉ còn 1/3 và đang có chiều hướng giảm nữa.

Chất lượng, thương hiệu, tính năng đảm bảo an toàn sức khoẻ, và hơn hết là chúng ta vẫn còn bán hai miếng philê của con cá tra chứ chưa làm ra sản phẩm chế biến… là nguyên nhân cơ bản khiến giá cá tra không thể trụ vững trước cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Không chỉ có con cá tra, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chỉ ra rằng “đa phần nông thủy sản Việt Nam bán ra nước ngoài đều dựa trên lợi thế cạnh tranh về giá”, chứ hoàn toàn “không liên quan gì đến thương hiệu, giá trị chất lượng”…Trong khi xu hướng giá nông sản các nước bán ra tăng đều đặn thì Việt Nam lại giảm đáng kể.

Giá bán ngày càng giảm

“Hạt điều và tiêu đen Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới về cả khối lượng và giá trị; tuy nhiên giá bán lại chỉ đứng thứ 6, thứ 8 trên thế giới”, ông Tuấn viện dẫn.

Tương tự như vậy, mặt hàng tiêu, điều, cao su, chè, sắn lát, càphê nhân cũng xếp vị trí thứ 2, thứ 3 thế giới về sản lượng; nhưng giá bán so với sản phẩm cùng chủng loại của thế giới lại chỉ xếp thứ 8, thứ 10. Ông Trương Thanh Phong, nguyên tổng giám đốc Vinafood 2, nguyên chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từng thừa nhận “gạo Việt Nam mất giá do chúng ta không có gì… đặc biệt”. Doanh nghiệp Việt bán gạo không có thương hiệu, hạt gạo không đồng đều, chất lượng kém, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo.

Theo số liệu của VFA, liên tục các năm từ 2010 – 2014 Việt Nam bán ra thế giới lượng gạo ổn định trên dưới 7 triệu tấn. Trái ngược với sự ổn định về lượng bán ra, trong vòng bốn năm trở lại đây, giá gạo xuất khẩu lại liên tục giảm, mức giảm từ 70 – 120 USD/tấn. Năm 2010, giá bán 1 tấn gạo 5% tấm sang thị trường Philippines dao động quanh mức 400 USD, thì đến cuối năm 2014 đầu 2015, còn 320 – 330 USD/tấn.

Không chỉ thua thiệt giá bán, hiện nay hạt gạo Việt đang có chiều hướng kém cạnh tranh nhất trong số hạt gạo trên thị trường thế giới. Tháng 9.2014, có dịp công tác tại Moscow (Nga), vào nhà hàng, khách sạn năm sao hay bất cứ cửa hàng, siêu thị nào cũng thấy gạo thơm Thái bán tràn lan. Giá bán lẻ niêm yết bằng đồng rúp, quy ra USD ở mức trung bình 700 – 1.000 USD/tấn.

Nghĩa là 1 tấn gạo thơm Thái có giá gấp ba, bốn lần gạo Việt Nam đang bán. Không chỉ ở Nga, Mỹ hay các nước EU cũng chỉ bán gạo thơm Thái và gạo thơm Ấn Độ. Gần đây, gạo Campuchia bắt đầu len lỏi cạnh tranh ở phân khúc cấp cao, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay chưa biết chọn giống lúa nào xây dựng thương hiệu quốc gia để có thể mang ra cạnh tranh.

Chi phí sản xuất tăng

Hơn 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm nằm ở đồng bằng sông Cửu Long, nghĩa là chúng ta có vùng sản xuất trọng điểm, quy mô tập trung hàng trăm ngàn ha; nhưng hiện trạng sản xuất manh mún, rời rạc, thiếu kiểm soát và lộn xộn vẫn tồn tại. TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng chúng ta rất khó để áp dụng công nghệ, năng giá trị, chất lượng trên nền tảng sản xuất như vậy. Do đó, ông đặt câu hỏi: Khi chất lượng hạt gạo thuộc vào loại làng nhàng, nếu tăng giá bán thì sức cạnh tranh có còn?

Một thực tế đáng lo ngại là trong khi sức cạnh tranh về giá ngày càng yếu, thì chi phí đầu vào sản xuất hàng hoá xuất khẩu lại không ngừng gia tăng trong các năm gần đây.

Cách nay mười năm, ông Kevin Nguyen được các nhà máy thuê gia công cá tra xuất khẩu báo giá nguyên liệu xoay quanh 15.000 – 17.000 đồng/kg. Nhưng, với bốn container cá tra Việt Nam vừa ký gia công với một nhà máy ở An Giang để xuất qua Trung Quốc, giá nguyên liệu đã vọt lên 20.500 đồng, còn giá xuất khẩu thì… giữ nguyên, thậm chí thấp hơn. “Giá đầu vào không giảm và có xu hướng tăng mạnh, còn đầu ra bị cạnh tranh quyết liệt nên cá tra đang mất dần lợi thế “giá rẻ”. Điều này dẫn tới tất cả các đối tượng trong chuỗi cá tra đều không có ăn”, bằng kinh nghiệm lâu năm buôn cá tra, Kevin Nguyen kết luận như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem