Giá cao su tăng, doanh nghiệp cao su quý 2 vẫn ngậm đắng nuốt cay

Thứ hai, ngày 18/07/2016 14:42 PM (GMT+7)
Giá cao su trong quý 2 đã có những dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên thế là vẫn chưa đủ để lợi nhuận của doanh nghiệp "vàng trắng" có thể khởi sắc.
Bình luận 0

Nhờ giá dầu thô tăng mạnh trong thời gian gần đây, nên giá bán mủ cao su tự nhiên đã tăng hơn 70% so với đầu năm, có thời điểm giá bán mủ cao su đã tăng lên mức 37 - 38 triệu đồng/tấn, cao hơn nhiều so với đầu năm.

img

Tuy nhiên với những con số kết quả kinh doanh mới được các doanh nghiệp cao su tự nhiên công bố thì có vẻ sự phục hồi của giá chưa đủ để giúp hoạt động kinh doanh của ngành này khởi sắc trở lại.

Cao Su Hòa Bình (HRC) đã công bố BCTC quý 2.2016 với doanh thu và lợi nhuận vẫn tiếp tục giảm mạnh so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu thuần đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng chỉ bằng 1/7 cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp đạt 561 triệu đồng giảm 31% so với quý 2/2015. Trong kỳ các khoản chi phí đều được doanh nghiệp cắt giảm mạnh nên lãi thuần đạt hơn 36 triệu đồng trong khi cùng kỳ lỗ thuần 121 triệu đồng. Hoạt động khác mang về khoản lãi hơn 2 tỷ đồng giúp HRC lãi ròng 1,7 tỷ đồng vẫn giảm 69% so với cùng kỳ năm ngoái tương đương EPS đạt 70 đồng.

Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do giá bán mủ và sản lượng tiêu thụ quý 2/2016 giảm so với cùng kỳ, bên cạnh đó diện tích thanh lý cây cao su để tái canh trồng mới trong quý 2/2016 cũng giảm nên lợi nhuận khác giảm. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, HRC đạt gần 15 tỷ đồng doanh thu và 4,62 tỷ đồng LNST lần lượt giảm 56,5% và 83% so với 6 tháng đầu năm 2016.

Trước đó một số doanh nghiệp cao su khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ, Cao su Phước Hòa (PHR) công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế ước đạt 55,74 tỷ đồng. Như vậy riêng quý 2, PHR chỉ lãi gần 13 tỷ đồng giảm mạnh 55,2% so với cùng kỳ.

Cao su Tây Ninh (TRC) dự kiến 6 tháng đầu năm lợi nhuận Công ty thu về đạt hơn 21,2 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận từ kinh doanh cao su chỉ chiếm chưa tới 3% trong cơ cấu lợi nhuận (550 triệu đồng). Phần lợi nhuận đóng góp lớn nhất là hoạt động khác với hơn 19,7 tỷ đồng, chiếm 93%; theo sau là hoạt động tài chính với gần 860 triệu đồng, chiếm 4%.

Hiện Cao su Đồng Phú (DPR) chưa công bố KQKD tháng 6, nhưng theo kết quả kinh doanh tháng 5/2016, lũy kế 5 tháng đầu năm nay, DPR ước đạt 180,775 tỷ đồng doanh thu; 55,178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái trong đó phần đóng góp từ lợi nhuận SXKD cao su chưa đến 3 tỷ đồng.

Lo ngại giá cao su giảm nên ngay từ đầu năm các doanh nghiệp cao su tự nhiên đã lên kế hoạch kinh doanh hết sức thận trọng, theo đó mặc dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm giảm sút mạnh so với cùng kỳ nhưng cả HRC, PHR, TRC và DPR đều đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016 ở mức khá cao trong đó HRC vẫn đã hoàn thành tới 77% kế hoạch LNST cả năm 2016, DPR mới chỉ hết tháng 5 cũng đã hoàn thành được trên 70% kế hoạch, TRC và PHR cũng đã hoàn thành được trên dưới 50% kế hoạch.

Được biết, theo thông lệ hằng năm, trong quý 1 và đầu quý 2 các doanh nghiệp thường ngừng cạo mủ để duy tu bảo dưỡng máy móc và chờ cây rụng lá. Hiện tại, các doanh nghiệp đang thực hiện công việc cạo xả để thông mạch cây và chờ đến khoảng giữa tháng 5 mới bắt đầu khai thác trở lại. Tại Cty cổ phần cao su Hòa Bình, dự kiến đến tháng 6 mới có thể bước vào mùa cạo mới. Theo đó có thể kỳ vọng cùng với sự phục hồi của giá cao su chặng đường nửa cuối năm của các doanh nghiệp "vàng trắng" sẽ bớt gian khó.

Thanh Tú (InfoNet/HNX&HSX)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem