Giá cát leo thang, nguồn cung hạn chế: Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề xuất giải pháp tạm thời
Giá cát leo thang, nguồn cung hạn chế: Sở Xây dựng Quảng Ngãi đề xuất giải pháp tạm thời
Công Hoàng
Thứ hai, ngày 17/04/2023 13:53 PM (GMT+7)
Giá cát xây dựng đang leo thang, trong bối cảnh "nhu cầu trên trời còn nguồn cung dưới đất”, Sở Xây dựng đã đề xuất cấp thẩm quyền Quảng Ngãi, xem xét và cho thực hiện giải pháp tạm thời, bằng sử dụng đá bụi thay thế cát để xử lý nền móng một số dự án, công trình.
Tận dụng vật liệu thừa, giảm sức ép nguồn cung và giá.
Sáng 17/4, để hiểu rõ hơn biện pháp mà Sở Xây dựng tỉnh, đề nghị cấp thẩm quyền Quảng Ngãi, xem xét và cho phép thực hiện tạm thời sử dụng nguồn đá bụi đang dư thừa, thay thế cho nguồn cát đang khan hiếm trên địa bàn, PV Dân Việt đã trao đổi với đại diện sở này.
Qua rà soát sơ bộ, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện khá nhiều mỏ đá đang hoạt động, còn tồn một lượng lớn đá bụi chưa được giải phóng, có thể ảnh hưởng đến môi trường…
Trong khi để xử lý nền móng của 1 số dự án và công trình, lượng đá bụi có thể sử dụng để thay thế cát sông.
Vì vậy Sở Xây dựng mới kiến nghị UBND tỉnh, chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công nghiên cứu, sử dụng nguồn đá bụi tại các mỏ đá, để xử lý nền móng công trình (nếu đảm bảo kỹ thuật).
Việc sử dụng vật liệu (đá bụi) thay thế (cát xây dựng làm nền móng), sẽ góp phần tạm thời làm giảm nhu cầu, phụ thuộc vào nguồn cát sông hiện đang khan hiếm và giá tăng cao; giảm ảnh hưởng môi trường tại các bãi chứa đá bụi ở mỏ đá. Theo đó ưu tiên sử dụng cát sông đạt tiêu chuẩn (đang khan hiếm) để phục vụ công tác bê tông, xây, trác.
Cần đẩy nhanh thời gian hoàn tất thủ tục, cấp phép.
Liên quan đến tình trạng cát xây dựng trên địa bàn đang "nóng" do nguồn cung hạn chế và giá đang ở mức cao như hiện nay, đại diện Sở Xây dựng cho biết, cũng đã báo cáo vụ việc cho tỉnh.
Theo đó qua tổng hợp nhu cầu của 9/16 đơn vị trong tỉnh, trong 45 ngày đến (tính đến ngày 30/6/2023), nhu cầu cát cần sử dụng ít nhất khoảng 1,2 triệu m3, gồm 3 BQL (dân dụng, công trình giao thông và KKT Dung Quất), gần 857.000 m3; 6/13 huyện, thị và thành phố, ước trên 352.000m3.
Trong số 9/16 đơn vị (đã có báo cáo), có nhu cầu sử dụng cát xây dựng nhiều nhất là BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh (633.000m3); BQL các dự án giao thông (gần 204.000m3); TX.Đức Phổ (khoảng 200.000m3); huyện Ba Tơ (khoảng 42.500m3)….
Tuy nhiên đại diện chủ đầu tư, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương cho biết, ngoài nhu cầu cát phục vụ thi công các dự án có vốn đầu tư công, thì nhu cầu cát phục vụ xây dựng nhà ở của người dân cũng khá lớn.
Thế nhưng thực tế nguồn cát hợp pháp của các mỏ, cung cấp cho các dự án, công trình quá ít (riêng khu vực đồng bằng của Quảng Ngãi chỉ còn duy nhất 1 mỏ), nên không chỉ giá cao, mà việc mua cát vô cùng khó khăn.
Trong khi đó từ nay đến 30/6/2023, là thời điểm thời tiết thuận lợi, vì vậy các chủ đầu tư và nhà thầu đang gấp rút thi công, đẩy nhanh tiến độ, để giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch mà tỉnh yêu cầu.
Với nguồn cát như đã nêu trên, đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai thi công các dự án, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công chung cho toàn tỉnh.
Vì vậy Sở Xây dựng kiến nghị tỉnh chỉ đạo cấp ngành và đơn vị liên quan, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, thủ tục cấp phép khai thác các mỏ cát đã trúng đấu giá trong thời gian qua, đưa mỏ vào hoạt động khai thác, kịp thời đáp ứng nhu cầu cho xây dựng trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.