Sau khi dự án chính thức thông xe ngày 26-9, giá đất tại các khu vực lân cận như Thạch Bàn, Sài Đồng, Giang Biên... đã tăng khoảng 5 - 10% so với vài tháng trước và khoảng 30-40% so với 3 năm về trước.
Nếu những năm trước, giá đất ở các ngõ nhỏ trong khu vực dân cư trung bình chỉ 8 - 9 triệu đồng/m2, thì hiện được rao bán với giá 20 - 28 triệu đồng/m2. Tại các mặt đường lớn, giá dao động trong khoảng 28 - 32 triệu đồng/m2 (đa số đều đã có sổ đỏ).
Một số căn hộ tại Dự án chung cư Sunrise Building II (nằm ngay chân cầu Vĩnh Tuy) cũng đang được rao bán với giá 18 - 20 triệu đồng/m2.
Tại khu đô thị mới Việt Hưng, khu liền kề đường nhỏ có giá lần lượt từ 25 đến 33 triệu mỗi m2, đường lớn giá trên 50 triệu đồng/m2.
Khu đô thị Sài Đồng nằm ngay chân cầu Vĩnh Tuy với gần chục khối nhà chung cư cao tầng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Một số khu nhà thấp tầng, biệt thự, nhà liền kề đã hoàn tất xây dựng, nhưng hầu hết vẫn chưa có người ở. Đa số các ô đất còn lại đều bỏ hoang.
Giá đất liền kề tại Khu đô thị Sài Đồng những năm trước đây chỉ 10 - 12 triệu đồng/m2, nhưng hiện được rao bán tới 35 - 45 triệu đồng/m2.
Giá đất tại các khu đô thị mới như Thạch Bàn, Đặng Xá, về cơ bản, không tăng nhiều so với quý II-2010, đang được giao dịch ở mức 22-25 triệu đồng/m2.
Nếu đất tại các khu đô thị mới không được nhiều người tìm mua, bởi các ô đất thường có diện tích lớn (trên 120 m2), thì đất tại các khu dân cư lại đang có sự biến động mạnh.
Khảo sát thông tin tại một số trung tâm môi giới nhà đất khu vực này cho thấy, sau khi dự án cầu Thanh Trì thông xe đầu năm 2007 và nhất là dự án cầu Vĩnh Tuy hoàn thành giai đoạn I vào ngày 26-9 vừa qua, giá đất tại các khu vực lân cận như Thạch Bàn, Sài Đồng, Giang Biên… đã tăng đáng kể.
Mặc dù có tăng so với trước, nhưng nếu so với mặt bằng giá chung của Hà Nội, đặc biệt là nếu so với khu vực phía Tây Hà Nội, thì đây vẫn được xem là mức giá phù hợp với những người có nhu cầu mua nhà để ở, hoặc đầu tư dài hạn.
Theo một số văn phòng môi giới nhà đất tại khu vực này, sở dĩ giá đất khu vực Long Biên nói riêng và khu vực phía Đông Hà Nội không xảy ra tình trạng “sốt cao” như đã diễn ra tại khu vực phía Tây Hà Nội trước đây, là do đất ở đây ít bị làm giá.
Nguồn cung đất tại khu vực dân cư và các dự án khu đô thị dồi dào, nên rất khó “tạo sóng”. Những người có tiền và có thông tin, thì đã mua từ trước, còn hiện tại, đối tượng tìm mua đa số là những người có nhu cầu xây nhà để ở, nên chỉ có những ô đất có diện tích nhỏ trong khu dân cư là biến động mạnh.
Theo Đô thị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.