Thế giới đang cảm nhận rõ rệt những tác động về việc giá dầu thô đang giảm ở mức kỷ lục. Theo tiến sĩ, đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giá dầu “tụt dốc không phanh” này?
- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây nhưng trước tiên đó là do tổng cầu giảm.
Giá dầu thế giới giảm chủ yếu do nguồn cầu đã giảm. EYevine
Các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… và một số nền kinh tế mới nổi khác là những nền kinh tế hút dầu lửa bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, những nền kinh tế này đang có tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhu cầu dầu lửa không còn căng thẳng như trước đây. Yếu tố đó ảnh hưởng đến giá dầu trên thị trường.
Lý do thứ hai và có lẽ cũng là yếu tố quan trọng nhất, đó là về phía cung. Nguồn cung dầu trên thế giới đang tăng lên và đa dạng hơn. Các nước sản xuất và xuất khẩu dầu vẫn cung ứng đầy đủ dầu mỏ cho quốc tế, bất chấp nhiều bất ổn về địa chính trị trong thời gian gần đây.
Đặc biệt, Mỹ từ một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, nay đã tự sản xuất, không những đáp ứng được nhu cầu nội địa mà còn là nhà sản xuất dầu mỏ nhờ vào công nghệ sản xuất dầu đá phiến. Một vài năm trở lại đây, Mỹ đã không ngừng gia tăng sản xuất dầu nhờ công nghệ dầu đá phiến. Theo dự đoán, năm 2015, Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, giá dầu giảm còn được tính trên “đường đi” của đồng đô la. Trước đây, đồng đô la mất giá thì giá dầu tăng lên, nay đồng đô la lên giá thì giá dầu giảm xuống. Lịch sử năng lượng toàn cầu cũng đã ghi nhận, cứ mỗi lần đồng đô la tăng giá, thì giá dầu thô lại giảm.
Ông nghĩ sao trước nhận định rằng giá dầu giảm là do có sự thỏa thuận ngầm giữa Mỹ và Ả rập Xê út, nhằm bóp nghẹt nền kinh tế đối thủ là Nga và Iran?
- Tôi đã từng nghe nhiều người nghi ngờ rằng, giá dầu giảm là “bài” của Mỹ. Dựa trên yếu tố thị trường, suy luận này hoàn toàn có logic, nhưng tôi cho rằng khả năng này không cao. Từ năm 2007, 2008, Mỹ đã xây dựng chiến lược làm chủ thị phần dầu mỏ và cho đến nay họ đạt được điều đó hoàn toàn là trong lộ trình.
Trước đây, khái niệm an ninh năng lượng lúc nào cũng nóng trong các chính phủ. Nhiều nước lo ngại nên đã tích trữ dầu mỏ, tạo ra nguồn cầu ảo. Nay khi nguồn cung ổn định thì các nước thi nhau bán ra thì giá dầu đương nhiên phải giảm thôi.
Hơn nữa, nói về “thỏa thuận ngầm” giữa Mỹ và Ả rập, tôi cho rằng Ả rập chẳng dại gì để làm điều đó. Bản thân khi giá dầu giảm, các công ty dầu mỏ của Ả rập cũng phải có chính sách để chống lại chính sách của Mỹ, để giữ được thị phần dầu thô của họ trên thị trường thế giới.
Giá dầu giảm đã tác động như thế nào đến kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, thưa ông?
- Việc giá dầu giảm là có lợi cho nền kinh tế thế giới, là yếu tố để thúc đẩy sự tăng trưởng cho các nền kinh tế, từ đó tạo sự cân bằng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Và với Việt Nam, đương nhiên việc giá dầu giảm cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi chi phí nhiên liệu giảm. Theo quy luật của thị trường, giá dầu thế giới giảm, không lý gì giá dầu ở Việt Nam không giảm. Đó là một tin vui.
Nhưng hẳn đó sẽ không phải là tin vui cho tất cả các nền kinh tế, đặc biệt là những nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ. Với Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô, đồng thời là nước nhập khẩu phần lớn xăng dầu thành phẩm thì mức ảnh hưởng đó sẽ như thế nào, thưa ông?
- Tôi không có số liệu cụ thể về mức nhập khẩu, cũng như xuất khẩu dầu thô của Việt Nam. Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng, ngân sách của Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Nếu giá dầu xuất giảm và xăng dầu trong nước giảm giá liên tục sẽ tác động lớn tới thu ngân sách nhà nước.
Vậy, với những phân tích của ông, liệu chúng ta có nên tin rằng, đây là tín hiệu kết thúc thời kỳ dầu mỏ giá cao?
- Vẫn còn sớm để kết luận điều đó. Giá dầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta thấy rằng, kinh tế thế giới đang đi xuống, nhu cầu dầu mỏ ngày càng giảm, song điều này cũng phản ánh sự tăng trưởng mong manh của toàn thế giới. Ngoài ra, đường đi của đồng đô la không ổn định. Tôi cho rằng, giá dầu trên thế giới sẽ tiếp tục giảm, đây chưa phải là thời điểm chạm đáy, kéo theo đó, giá xăng dầu ở Việt Nam cũng sẽ tiếp tục giảm.
Xin cảm ơn ông!
TS Bùi Ngọc Sơn nhận định: “Trước đây, sự thiếu hụt dầu mỏ liên quan đến yếu tố bất ổn chính trị, luôn đặt thế giới trước mối đe dọa về “an ninh năng lượng”, nay mối đe dọa đó đã không còn. Iran- nước xuất khẩu dầu mỏ lớn cũng đã có những thay đổi trên chính trường.
Người ta đã thấy một Tổng thống Iran mới không còn thái độ thù nghịch với nước Mỹ như trước, mà ông đã chìa bàn tay để sẵn sàng giao thiệp với thế giới. Xét về yếu tố đó, mối đe dọa về bất ổn cung dầu đã giảm, thậm chí không còn. Và như vậy, khi nguồn cung ổn, nguồn cầu giảm thì đương nhiên giá dầu sẽ giảm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.