Gia đình cố NGND Nguyễn Lân tặng sách trên con đường mới mang tên ông ở Huế

Vân Thủy Thứ sáu, ngày 05/07/2024 10:55 AM (GMT+7)
Thành phố Huế tổ chức Lễ tiếp nhận sách từ gia đình cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân trên chính con đường mới mang tên ông.
Bình luận 0

Sáng ngày 5/7, trên con đường mới được gắn biển tên Nguyễn Lân ở phường Thủy Vân, thành phố Huế, UBND thành phố Huế đã tổ chức Lễ tiếp nhận sách do Gia đình cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân trao tặng. 

Tới tham dự buổi Lễ có ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương; Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Huế, Ông Võ Lê Nhật, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huế; Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện các Trường tại Huế nơi NGND Nguyễn Lân đã từng giảng dạy và gia đình của cố NGND Nguyễn Lân.

Gia đình cố NGND Nguyễn Lân tặng sách trên con đường mới mang tên ông ở Huế- Ảnh 1.

Con đường mới được gắn biển tên Nguyễn Lân ở phường Thủy Vân, thành phố Huế. Ảnh: Vân Thuỷ

Đường Nguyễn Lân được đặt tên ở thành phố Huế theo Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 về đặt tên đường tại thành phố Huế (đợt XII) để vinh danh ông. 

NGND Nguyễn Lân quê ở Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sinh ngày 14/6/1906 và mất ngày 7/8/2003 tại Hà Nội. Năm 1929, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1932, ông dạy tại trường Hồng Bàng (Hải Phòng), sau đó làm Giám học và dạy 2 môn Văn - Sử tại trường Thăng Long ở Ngõ Trạm (Hà Nội). 

Năm 1935, ông được cử vào Huế và dạy tại Trường Trung học Khải Định - Huế (1936- 1954), tiền thân là Trường Quốc Học (1896 -1936) (nay là Trường THPT Chuyên Quốc học Huế) và một vài trường khác như: Trường Đồng Khánh (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng), Trường Bách công Kỹ nghệ (nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế).

Tháng 4/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Theo Chỉ dụ số 78 ngày 24/5/1945 của Vua Bảo Đại có đoạn: "Ông Nguyễn Lân, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, hiện là Giáo sư trường Trung học Khải Định, sung lãnh chức Đốc lý Thành phố Thuận Hoá, và ông Bửu Hiệp, Y khoa bác sĩ lãnh chức Phó Đốc lý…". Hiểu như ngày nay, thì ông là người Việt Nam đầu tiên làm Chủ tịch Thành phố Huế. 

Gia đình cố NGND Nguyễn Lân tặng sách trên con đường mới mang tên ông ở Huế- Ảnh 2.

Gia đình cố Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân bày tỏ xúc động khi thành phố Huế đặt tên con đường mới mang tên Nguyễn Lân. Ảnh: Vân Thuỷ

Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 28/5/1945, Đốc lý Nguyễn Lân cam kết nhanh chóng thiết lập bộ máy điều hành, chấn chỉnh đô thị, đổi 40 tên đường phố và công viên mang tên Tây sang tên danh nhân người Việt như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương…, sửa sang cầu cống, thuế khoá, cải cách tư pháp, lập nhà tế bần giúp người nghèo khó, kiên quyết xoá bỏ những tệ nạn xã hội, đồng thời ban hành những chủ trương tiến bộ.

Nhưng cải cách của ông chưa đủ thời gian triển khai trọn vẹn, vì sau đó 3 tháng là thời điểm Cách mạng tháng Tám thành công với sự ra đời của chính quyền mới. Tại Huế, Nhà văn Nguyễn Lân - bút danh Từ Ngọc đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong Chính quyền Cách mạng như: Chủ tịch Liên đoàn Văn hoá Cứu quốc Trung Bộ, Trưởng ty Giáo dục đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên, …

Năm 1946, ông ra Hà Nội dạy học tại Trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An). Sau đó ông lên Chiến khu Việt Bắc và được cử làm Giám đốc Giáo dục Liên khu 10 gồm 6 tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Giang. Năm 1951, ông được cử sang giảng dạy tại Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh Trung Quốc. Năm 1956, ông trở về Hà Nội giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm và được phân công phụ trách nhóm Giáo dục học. Năm 1958, ông được cử làm Chủ nhiệm Giáo dục - Tâm lý học (tiền thân của Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bây giờ). Năm 1988, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà Giáo Nhân dân trong đợt đầu tiên. Năm 1996, ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Khuyến học Việt Nam. Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước.

Tên của ông đã được đặt cho đường phố tại thành phố Hà Nội, thị xã Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên), thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) và thành phố Huế là thành phố thứ 4 đặt tên vinh danh ông. 

Gia đình cố NGND Nguyễn Lân tặng sách trên con đường mới mang tên ông ở Huế- Ảnh 3.

Gia đình trao tặng cho Thư viện thành phố bộ sách viết về thân thế, sự nghiệp của NGND Nguyễn Lân. Ảnh: Vân Thuỷ

Thay mặt Gia đình, PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, người con thứ 4 của cố NGND Nguyễn Lân đã bày tỏ niềm xúc động khi đứng trên con đường mang tên ông tại thành phố Huế và được trao tặng cho Thư viện thành phố bộ sách viết về thân thế, sự nghiệp của NGND Nguyễn Lân và các sách thuộc nhiều lĩnh vực khác do các thành viên con, cháu của gia đình viết. Đây là những tài sản quý mà gia đình gửi tặng để truyền cảm hứng về sự học cho các thế hệ tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem