Giá hàng hóa tăng mạnh ngày Rằm tháng Giêng, có phải do giá xăng cao?
Giá hàng hóa tăng mạnh ngày Rằm tháng Giêng, có phải do giá xăng cao?
Thanh Phong
Thứ ba, ngày 15/02/2022 17:41 PM (GMT+7)
Tại nhiều chợ truyền thống, dân sinh giá các loại rau, trái cây tăng giá khoảng 20%. Ngoài ra, nhiều dịch vụ như vận chuyển người và hàng hóa cũng tăng giá. Nguyên nhân được cho là do giá xăng đang neo ở mức cao.
Hiện tại, ở các chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội như Mỹ Đình, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, giá các loại thực phẩm đang neo ở mức cao. Trong đó, các loại quả như xoài Cát Chu dao động trong khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 55.000-60.000 đồng/kg; táo nhập khẩu trên 130.000 đồng/kg; cam canh 70.000 đồng/kg …
Về các loại rau xanh, giá bắp cải được ghi nhận ở mức khoảng 15.000 – 20.000 đồng/kg, tăng khoảng gấp đôi, rau cần tăng từ 3.000-5.000 đồng lên 15.000 đồng/bó; rau muống tăng 2.000 đồng, từ 10.000 lên 12.000 đồng/bó; cải cúc, cải xanh, mùng tơi đồng giá tăng 3.000 đồng, từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/bó;…
Theo chị Liêm, một tiểu thương tại chợ Mỹ Đình cho biết, nguyên nhân các loại rau củ quả tăng giá là do thời tiết thời gian qua không thuận lợi. Bên cạnh đó, giá xăng tăng mạnh từ đầu năm cũng khiến giá các loại hàng hóa dịch vụ "leo thang".
"Giá nhiều loại hoa quả đã tăng ngay từ trong các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, từ đầu năm tới giờ, giá xăng đã tăng vài lần lên trên 25.000 đồng/lít nên giá vận chuyển cũng ở mức rất cao.
Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng biến động từng giờ từng phút. Tình trạng này làm chúng tôi rất áp lực, không tăng giá không được. Tăng giá thì bị khách chê trách, ngoài ra, việc điều chỉnh giá liên tục làm thế nào cho hài hòa, hợp lý cũng rất đau đầu. Tôi chỉ muốn giá cả ổn định", chị Liêm chia sẻ.
Nói về tình trạng giá rau tăng cao, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) cho biết, nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi, người dân đã giảm diện tích trồng rau chuyển sang cấy lúa.
Theo đó, thương lái đang thu mua tại vườn rau cải ngồng với giá từ 13.000 đồng/kg; cà chua thời điểm hiện tại cũng được bà con bán với giá trên 10.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đua nhận định, không thể nhìn thấy giá rau cao nhất thời mà có thể sớm vui mừng. Nguyên nhân vì việc tiêu thụ nông sản của người nông dân dân hiện vẫn chủ yếu theo phương thức tự cung – tự cấp, giá cả bấp bênh theo thị trường.
"Theo tôi, các loại nông sản nói chung cần hướng tới sự bình ổn. Đời sống người dân tránh khỏi sự bấp bênh khi được mùa lại mất giá. Ví dụ, cà chua có thời điểm "sốt" giá nhưng cũng có lúc nguồn cung lớn lại "rẻ như cho"", ông Đua nhấn mạnh.
Đánh giá về tác động thị trường của giá xăng Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT mới đây có thể bị "vô hiệu hóa" nếu tình trạng này kéo dài.
Cụ thể, vị chuyên gia nhận xét, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
"Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng", ông Lâm phân tích.
Đồng quan điểm trên, Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, cần phải nhìn vào tổng thể cách điều tiết giá xăng là nguồn đầu vào của xã hội. Nếu cứ phụ thuộc vào thị trường thế giới, nền kinh tế của chúng ta luôn ẩn chứa yếu tố bất ổn.
"Thuế, phí đang chiếm tới hơn 40% giá xăng, đây là mức quá cao, trong đó, một số khoản có yếu tố bất hợp lý. Bên cạnh đó, việc không chủ động nguồn cung, dự trữ với mặt hàng chiến lược này, giá cả thị trường, nền kinh tế biến động là khó tránh khỏi", ông Phú nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.