Yêu cầu các sở, ngành làm rõ trước ngày 29.6
Ngày 19.6, Văn Phòng UBND tỉnh Gia Lai liên tục ra 2 văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Chư Sê – Chư Pứh nhanh chóng kiểm tra, xác minh nội dung mà báo NTNN và người dân phản ánh. Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị kiểm tra, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật gửi về tỉnh trước ngày 29.6
Tỉnh Gia Lai ra văn bản kiểm tra vấn đề báo NTNN phản ánh
Trước đó tháng 6.2017, báo NTNN/điện tử Dân Việt đã nhận được phản ánh của nhiều hộ dân ở Chư Sê, Chư Pứh có tham gia ký kết “hợp đồng bao tiêu sản phẩm” với công ty nhưng bị bội ước, khiến: Bí đao bỏ thối đầy đồng, dân chặt gốc chanh dây phơi nắng. Bức bí, dân gọi điện, liên hệ với Công ty CP Phú An Khang Tây Nguyên (127 Lý Thường Kiệt, TP. Pleiku, bán giống bí) và Công ty Tuấn Đại An (38 Lý Nam Đế, Tp.Pleiku – bán chanh dây) nhưng đều bặt vô âm tín.
Sau đó, PV NTNN đã vào cuộc điều tra và phát hiện sự việc không chỉ đơn thuần xảy ra tại 1-2 xã mà nông dân ở nhiều huyện ở Gia Lai cũng dính quả lừa. Từ ngày 7.6, Dân Việt bắt đầu đăng tải loạt bài: “Gia Lai: Hàng nghìn tấn bí xanh bị bỏ thối vì nông dân bị lừa trồng; Tán tận lương tâm: Lừa nông dân trồng chanh dây dỏm, rồi biến mất; Lừa bán giống chanh dây: Dân đòi tiền, còn bị công ty "ma" doạ; Nông dân bị lừa trồng chanh dây, bí xanh: Có thể khởi tố vụ án”.
Theo luật sư Võ Thị Tiết – Văn phòng Luật sư Bình Định: Người dân nhiều lần liên hệ bằng điện thoại, đến trụ sở công ty nhưng không gặp được đại diện công ty để giải quyết thì có thể đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Người dân đồng loạt gửi đơn kêu cứu
Ngày 20.6, trao đổi qua điện thoại, anh Mai Bá Thành (hộ trồng chanh dây ở thôn Phú Vinh, xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh) cho biết: “Chúng tôi đã làm đơn, ký tên tập thể gửi tới UBND xã, UBND huyện, phòng Nông nghiệp, Công an huyện Chư Pứh cầu cứu, đề nghị vào cuộc làm rõ hành vi lừa đảo nhằm bán giống chanh dây cho dân của công ty Tuấn Đại An. Rõ ràng, công ty đưa giống dỏm về bán cho dân, phân bón không có tem nhãn được bán giá rất cao rồi cắt đứt liên lạc là hành vi lừa đảo. Do tôi nghi ngờ về chuyện phân bón không đảm bảo, chỉ mua giống nên công ty thu tiền 100%”.
Theo anh Thành, nông dân bị thiệt nhiều nhất không phải là tiền mua giống, phân bón. Cái chính là khoảng đầu tư về vật tư như: trụ, dây kẽm, hệ thống tưới, công cán… tính ra cả trăm triệu đồng và bỏ cả một mùa vụ chăm sóc để đổi lại trắng tay. Nếu tính sơ, mỗi xã công ty này lừa vài chục hộ, mỗi hộ mất vài chục đến cả trăm triệu đồng mà tính ra toàn tỉnh thì nông dân bị lừa không phải ít. Chỉ mong cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ trả lại quyền lợi cho dân.
Nông dân đồng loạt làm đơn cầu cứu
Anh Đinh Văn Cường (thôn Mông, xã Ia Hla – hộ đầu tư gần 1 tỷ đồng trồng chanh dây) cũng cho biết: “Người dân ở đây đã làm đơn cầu cứu gửi ra UBND tỉnh, Công An tỉnh Gia Lai và Văn phòng Quốc hội rồi. Để chắc ăn, chúng tôi còn mời cả luật sư tư vấn, làm thủ tục đi kiện. Mới đây nghe tin UBND tỉnh Gia Lai hồi báo, có văn bản chỉ đạo xử lý theo đơn phản ánh của dân khiến chúng tôi rất vui mừng. Khi nông dân đòi kiện còn bị công ty này dọa kiện ngược”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.