Dân phản đối vì đền bù thấp
Hai ngày nay, trên mạng xã hội facebook xuất hiện clip dài hơn 31 phút ghi lại cảnh đoàn cưỡng chế gồm nhiều ban, ngành tiến hành cưa hạ vườn cà phê đang vào mùa thu hoạch, trái vẫn còn chín đỏ cành khiến nhiều người xót xa. Trong clip, mặc dù người dân phản ứng gay gắt nhưng đoàn cưỡng chế vẫn cho cưa máy hạ vườn cây. Vụ việc được xác định quay tai huyện Chư Păh, Gia Lai.
Vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Thiên chín đỏ, chưa kịp thu hoạch đã bị đoàn cưỡng chế cưa gốc.
Ngay sau khi được đăng tải, clip này được phát tán rộng rãi trên mạng với hàng chục nghìn lượt chia sẻ và bình luận, chê trách chính quyền chèn ép gây thiệt hại cho dân. Theo lời của nhân vật quay clip, các hộ dân chưa nhận được thông báo cưỡng chế và chưa nhận tiền đền bù nhưng các ngành chức năng lại ngang nhiên chặt hạ vườn cà phê. Trong khi gia đình phải nuôi 5-6 miệng ăn.
Ngày 29/11, phóng viên Dân Việt đã có mặt tại vị trí cưỡng chế vườn cây ở thôn 3 (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) để tìm hiểu vụ việc. Tại đây, người dân vẫn đang túc trực tại vườn, gom những cây cà phê bị chặt hạ lại để thu hái cà phê vẫn còn trên cành. Được biết, khu vực bị cưỡng chế là vị trí xây móng trụ điện 500kv – thuộc dự án đường dây 500kv Dốc Sỏi – Pleiku (đoạn qua huyện Chư Păh), có 3 hộ nằm trong diện bị cưỡng chế.
Ông Nguyễn Văn Thiên rầu rĩ, cùng vợ con đi nhặt từng cành cà phê bị cưa hạ để thu trái.
Có mặt tại vườn, bà Cao Thị Biên (nhà ở phường Yên Thế, TP. Pleiku – rẫy cà phê tại thôn 3, xã Nghĩa Hòa) cho biết: “Nhà nước giải phóng mặt bằng làm đường dây 500kv, bà con chúng tôi không phản đối. Nhưng chính quyền thực hiện đền bù thiệt hại cho chúng tôi giá 400.000/cây cà phê đang kinh doanh là quá thấp, chúng tôi không đồng ý. Theo tôi, việc đền bù phải tính đến giá trị đất, chi phí trồng cây cà phê và hỗ trợ giống để tái canh mới. Gia đình tôi yêu cầu đền bù 3,6 triệu đồng/cây cà phê (kể cả đất) nhưng huyện không chấp nhận”.
Dự án đường dây điện 500kv Dốc sỏi – Pleiku, đoạn qua huyện Chư Păh, Gia Lai có chiều dài 19,6km (qua 5 xã với 46 vị trí móng trụ, diện tích bị ảnh hưởng gần 700 nghìn mét vuông). Dự án thu hồi đất hơn 18.000m2 của 53 hộ và hơn 600.000m2 đất hành lang của 273 bị ảnh hưởng. Đây là công trình trọng điểm quốc gia góp phần cung ứng điện cho miền Nam giao đoạn từ năm 2020. |
Theo bà Biên, vườn của bà có hơn 2.000m2, nằm trong hành lang giải tỏa 950m2. Trong sáng 29/11, vườn của bà đã bị cắt hạ 8 cây. Nếu tính giá trị đối với cây lâu năm là cà phê có thời hạn thu hoạch là 30 năm, cùng với giá trị đất hiện tại thì việc đền bù như vậy là quá thấp, gây thiệt hại cho người dân. Chưa kể, bình quân mỗi năm mỗi cây còn cho thu hoạch 30-50kg cà phê tươi.
Chung tình cảnh, bà Phạm Thị Liên (xã Nghĩa Hòa) bức xúc: “Việc huyện đền bù thiệt hại cho dân như vậy là ép dân”. Theo bà Liên, người dân bỏ ra chi phí rất lớn để trồng, chăm sóc nhưng huyện đền bù tiền không tương xứng. Gia đình bà có 52 cây cà phê và 25 cây huỳnh đàn trong diện giải tỏa, trong đó đã bị cắt hạ 30 cây cà phê. Thảm nhất là hộ ông Nguyễn Văn Thiện có 113 cây cà phê đang chín, chưa thu hoạch đã bị đoàn cưỡng chế cắt hạ mà chưa kịp hái.
Chưa nhận tiền nhưng phải bàn giao mặt bằng
Liên quan vấn đề này, ông Lê Xuân Dũng – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Păh cho hay: Vị trí các hộ bị cưỡng chế thuộc dự án đường dây điện 500kv qua địa bàn. Huyện đã lên phương án đền bù và đã thực hiện việc chi trả cho 47/53 hộ dân, còn 6 hộ vẫn không nhận tiền đền bù. Huyện đã nhiều lần vận động nhưng vẫn không được nên tiến hành cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho kịp tiến độ. Sáng ngày 28/11 huyện tiến hành cưỡng chế, trước đó ngày 25 huyện đã có thông báo gửi đến các hộ dân biết để thu dọn tài sản trên đất cưỡng chế. Việc dân nói không có thông báo, không lập biên bản mà cưỡng chế là không đúng.
Mặc dù người dân phản đối chính quyền đền bù thấp nhưng huyện vẫn áp giá, thu hồi mặt bằng.
Theo ông Dũng, dự án đường dây điện 500kv qua địa bàn đã được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu phải hoàn thành xong công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng để thi công trước ngày 30/9/2019. Nhưng do vướng 6 hộ dân không chịu nhận tiền đền bù, không chấp hành bàn giao mặt bằng nên đã chậm trễ 2 tháng, gây ảnh hưởng tiến độ công trình trọng điểm quốc gia. Về giá cả đền bù đều áp dụng theo đúng quy định pháp luật và đơn giá tại địa phương.
“Người dân có thể không nhận tiền đề bù và tiếp tục khiếu nại lên huyện và các cơ quan chức năng để giải quyết, nhưng mặt bằng phải bàn giao cho huyện để kịp tiến độ thi công. Đây là công trình trọng điểm quốc gia nên không thể chờ, dừng dự án được. Nếu hộ nào không chấp hành, buộc huyện phải tiến hành cưỡng chế theo quy định pháp luật”, ông Dũng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.