Giá lúa chỉ “tăng cho có”

Thứ bảy, ngày 06/07/2013 10:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều năm nay, nông dân ĐBSCL thường xuyên chịu cảnh “được mùa, rớt giá” do cung vượt cầu. Đến nay, tình trạng đó vẫn chưa hề thay đổi, ít nhất là với hạt lúa.
Bình luận 0
img

Ngày 5.7, tức sau gần 20 ngày thực hiện chương trình thu mua tạm trữ (bắt đầu từ 15.6), đến nay nông dân ĐBSCL vẫn như đang ngồi trên lửa khi giá lúa chỉ “tăng cho có”, lên được 50 – 100 đồng/kg rồi giậm chân tại chỗ. Ông Trần Văn Đát – nông dân xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An nói: “Trước thời điểm doanh nghiệp bắt đầu thu mua tạm trữ, giá lúa IR50404 mua tại ruộng từ 3.800 – 3.900 đồng/kg. Một nửa thời gian của chương trình đã trôi qua, giá lúa IR50404 vẫn không tăng lên đồng nào. Đối với lúa hạt dài, giá tăng vài chục đồng mỗi kg lúa thì nông dân vẫn lỗ”.

Tại An Giang, ở nhiều huyện nông dân chấp nhận bán giá thấp để trang trải nợ nần nhưng tìm đỏ con mắt cũng không có thương lái tới mua. Ông Nguyễn Nhựt Hoai, nông dân ấp Tây Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn cho biết, do từ giữa tháng 6 đến nay mưa liên tục nên lúa gạo của bà con đang bị dồn ứ không bán được. Nhiều thương lái kèn cựa, thu mua cầm chừng trong lúc nhiều mảnh ruộng lúa chín rục, lúa nhiễm nước nên nẩy mầm.

Đối với những diện tích này, năng suất lúa chỉ còn chừng 3 – 4 tấn/ha. Năng suất giảm, giá lúa lại càng giảm bởi chất lượng hạt lúa rất thấp. “Mấy ông thương lái nói thu mua về không bán được cho các công ty nên mấy ổng lặn mất tăm. Một số thương lái đầu vụ xuống dân đặt cọc mua lúa, giờ họ đi năn nỉ dân xin lại tiền cọc vì bản thân họ cũng gặp khó” – ông Hoai nói.

Ông Đăng Văn Thiên (ấp Phú Hoà Yên, xã Song Phú, huyện Tam Bình, Vĩnh Long) cho biết, do mưa liên tục nên lúa của ông bị sập gần một nửa. Đã vậy, máy gặt đập không lội vào thu hoạch được nên phải thuê thợ gặt, giá lên tới 10 triệu đồng/ha – cao gấp 4 lần so với gặt bằng máy. Tại huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), nhiều nông dân cũng ngậm ngùi nhìn lúa mất mùa, mất giá.

Ngày 5.7, ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, sau thời điểm bắt đầu thu mua tạm trữ, nông dân trồng lúa vẫn không được hưởng lợi bởi giá lúa chỉ tăng chừng 50 – 100 đồng/kg. “Mỗi ha lúa vụ 3, nông dân thu hoạch chừng 5 tấn lúa. Với mức tăng này, mỗi tấn lúa tăng từ 50 – 100 ngàn đồng, mỗi ha lúa chỉ tăng vài trăm ngàn đồng thì không giải quyết được gì”. Còn ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Dù có chương trình tạm trữ nhưng giá lúa gần như đứng im. Nhiều nông dân cho biết, họ đang hết sức khó khăn vì giá lúa hiện tại quá thấp, không thể có lãi”.

Bi đát với con cá tra                                                                                                                                                            Theo ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), những ngày đầu tháng 7 giá cá tra nguyên liệu ở An Giang tiếp tục giảm mạnh khiến hàng loạt hộ nuôi gặp khó khăn. Đến ngày 5.7, giá cá tra có trọng lượng từ 700-800 gram/con hiện còn 20.500 đồng/kg đến 21.500 đồng/kg, cá tra quá lứa có trọng lượng từ 900 gram đến 1,1 kg/con còn 19.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Mách ở xã Tân Thành (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) tính toán: “Với giá này, người nuôi cá lỗ từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Tôi vừa xuất hầm khoảng 170 tấn hồi tuần trước, không tính công nhà và tài sản có sẵn đã lỗ gần 600 triệu đồng. Dù bán lỗ nhưng các nhà máy vẫn kỳ kèo từ 1,5 - 2 tháng mới thanh toán tiền”. Nhiều nông dân cho biết, dù giá cá xuống rất thấp nhưng các công ty vẫn không chịu trả tiền mặt cho nông dân với lý do chưa có hợp đồng xuất khẩu.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem