Đó là những câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2013, được tổ chức ngày 5.7 tại TP.Cần Thơ.
Hội nghị do Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND TP.Cần Thơ tổ chức và tham dự là lãnh đạo UBND 13 tỉnh trong vùng, cùng doanh nghiệp chế biến và xuất nhập khẩu ngành lúa gạo và thủy sản, các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn vùng ĐBSCL…
|
Giải quyết bài toán lúa gạo ở ĐBSCL cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương |
Khi hạt gạo, con cá gặp khó
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong 6 tháng qua, xuất khẩu nông, thủy sản, đặc biệt là lúa gạo, cá tra tiếp tục duy trì xu hướng giảm sút. Về kết quả xuất khẩu gạo, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, tính đến hết tháng 6.2013, xuất khẩu gạo ước đạt 3,485 triệu tấn, trị giá FOB đạt 1,504 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2012, xuất khẩu gạo tăng 2,55% vế số lượng nhưng giảm 2,04% về trị giá. Đến thời điểm này, tại ĐBSCL đã thu hoạch trên 435.000 ha lúa (bằng 25,8% diện tích gieo cấy), sản lượng đạt khoảng 2,32 triệu tấn. Tính đến ngày 27.6, các thương nhân đã mua được trên 218.000 tấn quy gạo (đạt 21,82% so với kế hoạch).
“Chất lượng gạo Việt Nam, đặc biệt là loại gạo cao cấp (nhất là gạo vụ hè thu) chưa được đánh giá cao về độ thuần chủng, độ dài hạt, màu sắc và chất lượng gạo. Nếu những vấn đề này không được xử lý thì giá gạo của ta tiếp tục bấp bênh thời gian tới và công tác xây dựng thương hiệu gạo sẽ rất khó khăn” – Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa lưu ý.
Trong khi đó, việc xuất khẩu thuỷ sản, nhất là mặt hàng chủ lực là cá tra cũng bi đát không kém. Theo báo cáo, toàn vùng ĐBSCL có trên 70 doanh nghiệp chế biến cá tra; một số doanh nghiệp do thiếu vốn, lượng hàng tồn kho lớn… nên hoạt động cầm chừng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2013, ước đạt 670 triệu USD (giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2012). Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt trên 150 triệu USD (giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2012), xuất khẩu sang Mỹ đạt 150 triệu USD (tăng 3,8%). Giá trị xuất khẩu cá tra 6 tháng đạt khoảng 800 triệu USD (giảm 7,3% so với cùng kỳ 2012).
Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cá tra giảm là: Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chính sụt giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Hiện nay, cá tra xuất khẩu của Việt Nam đanh bị một số thị trường áp đặt một số rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất, xuất khẩu.
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Để giải quyết đầu ra cho con cá, hạt lúa ở khu vực này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trước mắt Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các cơ quan thương mại tại nước ngoài tăng cường công tác thu thập và cung cấp thông tin, dự báo thị trường, các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, báo cáo kịp thời để cung cấp thông tin cho các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp. Mặt khác, Bộ cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác với các hệ thống phân phối ở nước ngoài để phát triển các kênh phân phối cho mặt hàng gạo và thủy sản.
Về nguồn vốn cho giải quyết hàng nông sản, thuỷ sản ở khu vực này, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hành Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh cho biết: Thực hiện chương trình thu mua tạm trữ, các ngân hành thương mại đã cho vay các doanh nghiệp thu mua là 7.612 tỷ đồng, tương đương với khối lượng thu mua tạm trữ trên 950.000 tấn quy gạo (đạt 95% tổng khối lượng thu mua dự trữ). Còn doanh số cho vay nuôi trồng, thu mua chế biến xuất khẩu cá tra của các tổ chức tín dụng tại khu vực ĐBSCL trong 5 tháng đầu năm đã đạt gần 19.597 tỷ đồng; dư nợ cho vay nuôi trồng, chế biến cá tra tại các tổ chức tín dụng đến ngày 31.5.2013 là 23.054 tỷ đồng.
Theo đánh giá, nguồn vốn trên đã có tác động lớn đến việc giải cứu thị trường. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại bảo đảm vốn tín dụng, xem xét hạ lãi suất, tăng hạn mức cho vay và gia hạn thời gian vay cho cả người nuôi trồng và cả cơ sở chế biến gạo, thủy sản.
Cũng liên quan đến việc giải bài toán về giải cứu thị trường lúa gạo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, về lâu dài các địa phương cần rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa. Xác định cụ thể cơ cấu cây trồng mùa vụ, từng vùng đất. Cơ cấu cây trồng phải đảm bảo phù hợp với thị trường, có hiệu quả cao nhất. Phát triển mạnh các hình thức liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu… chia sẻ hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quantiếp tục phối hợp hỗ trợ tích cực tháo gỡ các rào cản thương mại, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản. Có chính sách hỗ trợ giống cho nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu, rau” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Đức Khánh - Bùi Phụ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.