Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, với mức giá nội địa như trên, giá gạo trong nước đang cao hơn so với giá chào bán của doanh nghiệp từ 10-20 USD/tấn. Ngay Việt Hưng cũng gần cả tháng nay không dám thu mua nguyên liệu. “Với mức giá nội địa như hiện nay, doanh nghiệp phải chào bán gạo 5% tấm với giá khoảng 360 USD/tấn thì mới không lỗ” - ông Đôn nói.
Giá lúa đông xuân ở ĐBSCL đang ở mức có lãi cho nông dân. Ảnh: T.H
Việc giá lúa tăng cao thời điểm đầu vụ khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo không dám thu mua đầu vào, vì giá nguyên liệu cao hơn giá xuất khẩu. Đây là điểm khá “bất thường” trong ngành lúa gạo, bởi thông thường khi vào chính vụ thu hoạch đông xuân – vụ lúa chính trong năm, giá thu mua thường giảm mạnh.
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) nhận định, đầu năm nay, các doanh nghiệp cho rằng tình hình thị trường đang rất ế ẩm, không có nhiều hợp đồng mới, cũng không có hợp đồng gối đầu từ năm 2016 sang… Do đó, việc tiêu thụ lúa đông xuân có thể sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, khác với những dự báo trên, ngay đầu năm nay, nhu cầu nhập khẩu gạo tiểu ngạch của Trung Quốc đã tăng mạnh. Trong khi đó, vụ đông xuân năm nay muộn gần 2 tháng so với những năm trước, năng suất cũng giảm mạnh do ảnh hưởng thời tiết… khiến nguồn cung cho giao hàng có phần hạn chế. Do đó, giá thu mua lúa gạo trong nước bị đẩy lên cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.