Nhiều lao động bị sa thải dưới 35 tuổi
Về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, phần lớn trong số 85.000 người nhận trợ cấp BHXH một lần trong tháng 5 là những người nghỉ việc từ năm trước, tới nay theo quy định của Luật BHXH năm 2014, được thanh toán chế độ BHXH một lần. Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mỗi năm gần đây có gần 700.000 người nhận BHXH một lần.
“Tức là có khoảng 700.000 người đã ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Con số này tương tự số người lao động tham gia hệ thống an sinh xã hội hàng năm. Đứng ở góc độ công đoàn, có thể coi đây là một vấn nạn vì người lao động sẽ chỉ “hưởng một lần” còn tương lai không có lương hưu, hệ thống an sinh cũng sẽ mất nguồn lực tham gia” - ông Lê Đình Quảng cho biết.
Nhiều lao động quyết định lĩnh trợ cấp BHXH một lần sau khi mất việc. Ảnh: T.K
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, trong tháng 5.2018, toàn ngành đã giải quyết 10.125 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 85.117 người hưởng trợ cấp 1 lần. Lũy kế 5 tháng đầu năm giải quyết 49.765 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 296.916 người hưởng trợ cấp BHXH 1 lần; 3.954.791 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. |
Thống kê cho thấy hiện cả nước có trên 6 triệu lao động độ tuổi từ 18-30 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp. 80% phụ nữ ở tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc do sức ép công việc. Theo khảo sát, trong số hồ sơ hơn 10.000 người thôi việc, có trên 90% người trên 35 tuổi nhận trợ cấp thôi việc 1 lần. Họ thường là những lao động làm việc trong các doanh nghiệp có điều kiện lao động khắc nghiệt như: Sản xuất da giày, dệt may, thuỷ sản.
Ông Quảng cho biết thêm: “Vừa rồi Hội đồng Tiền lương quốc gia chúng tôi đi khảo sát tại Công ty Minh Phú ở tỉnh Hậu Giang, họ có khoảng 15.000 lao động nhưng họ bảo 4 năm rồi ở đây chỉ có duy nhất 1-2 người về hưu. Đó là ông tổng giám đốc cung cấp cho đoàn”.
Có 2 lý do, một là vì đến tuổi 35-40 thì người lao động không thể đứng ở môi trường đó được nữa, họ phải tự thôi việc. Hai là một số doanh nghiệp tìm mọi cách để vận động người lao động thôi việc vì càng thâm niên thì doanh nghiệp càng phải trả lương cao, tiền đóng BHXH cũng cao hơn.
Đời sống lao động khó khăn
Chị Thanh Bình (Hà Nội), làm việc ở Công ty May cũng bị công ty “động viên” thôi việc vào tuổi 34 vì lý do “mắt chị kém, không đảm bảo sự nhanh nhẹn”. Chị không được bố trí tăng ca nên thu nhập kém, không đủ tiền nuôi con ăn học nên đành tự thôi việc. Chị cũng xin trợ cấp một lần, “lấy một cục” để sửa nhà.
“Ai cũng biết tiền BHXH là dành cho mình dưỡng già nhưng gia đình đang khó khăn, cần tiền nên tôi phải rút hết. Hơn nữa, mình nghỉ việc, không có công ty đóng phần lớn tiền BHXH hàng tháng thì mình càng khó dư dả dăm bảy trăm nghìn để đóng mỗi tháng. Mà 10 năm nữa mình mới được hưởng lương hưu, khoảng thời gian dài quá” – chị Bình cho biết. Sau khi nghỉ việc, chị Bình mở quán nước, cũng kiếm được vài triệu 1 tháng nhưng suốt ngày phơi mặt ngoài đường nên sức khỏe của chị ngày càng sa sút.
Theo ông Quảng, thời gian đóng quá dài, chính sách BHXH dành cho đối tượng tự nguyện chưa hấp dẫn (chỉ được hưởng chế độ lương hưu và tử tuất) là lý do khiến lao động muốn “rút một cục” khi nghỉ việc. “Phải đóng ít nhất 20 năm, người lao động mới nhận được lương hưu, như vậy quá dài. Ngoài ra, quy định cho người lao động được hưởng chính sách BHXH một lần còn dễ dàng” – ông Quảng nói.
Cũng theo ông Quảng, một khảo sát của Viện Công nhân-công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) được thực hiện với 2.550 lao động (62% là nữ) tại 14 tỉnh đại diện của 6 vùng kinh tế tại miền Bắc, Trung và Nam cho thấy, có một tỉ lệ lớn người lao động có thu nhập rất thấp nên buộc phải chi tiêu rất tằn tiện, kham khổ. Có tới 52% người lao động phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống; chỉ 16% người lao động có tích luỹ. Những lao động được khảo sát gồm làm việc trong các doanh nghiệp nông-lâm-thủy sản, khai khoáng, dệt may-da giày, điện-điện tử, gỗ, hóa chất, giấy, chế biến…
Theo kết quả điều tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% NLĐ làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ gia đình, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.