Gia tăng nguy cơ ung thư nếu viêm đường ruột mãn tính không được điều trị

Diệu Linh Thứ hai, ngày 04/09/2023 07:11 AM (GMT+7)
Theo bác sĩ, nếu bệnh viêm đường ruột mãn tính không được điều trị, lâu dần có thể gây tắc, loét thủng ruột, làm tăng nguy cơ ung thư.
Bình luận 0

Mới đây, chị N.V.T (35 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng sốt cao 40oC, đau bụng vùng hố chậu phải, đau sau khi ăn, đại tiện xong thì giảm đau. 

Trực tiếp thăm khám cho chị T., TS, bác sĩ Hoàng Minh Đức, khoa Điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện Việt Đức) nhận thấy, chị T có những triệu chứng điển hình của bệnh lý Crohn. Đây là tình trạng viêm đường ruột (Imflammatory bowel disease- IBD) mạn tính, có tính chất tự miễn, từ thực quản đến hậu môn. 

Người hay mắc bệnh này thường ở độ tuổi 20-40, nam nhiều hơn nữ.

 TS, bác sĩ Hoàng Minh Đức cho biết, nguyên nhân gây bệnh có thể do vi trùng nhưng đến nay chưa có bằng chứng. 

Gia tăng nguy cơ ung thư nếu viêm đường ruột mãn tính không được điều trị - Ảnh 1.

Theo các bác sĩ, các triệu chứng như sốt cao, ăn xong là đau bụng, đi ngoài xong thì hết đau coi chừng viêm đường ruột mãn tính (Ảnh minh họa healthwire.pk)

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do quá trình tự hoạt hóa miễn dịch của cơ thể. Khi đó, những tế bào và protein bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại, virus, nấm, và những xâm nhập bên ngoài khác lại đi chống lại các tế bào đường ruột.

Như vậy, thông thường, hệ thống miễn dịch được kích hoạt chỉ khi cơ thể được tiếp xúc với những yếu tố có hại, nhưng trong bệnh Crohn, hệ thống miễn dịch là bất thường và bị kích hoạt trong khi không có mặt của bất kỳ tác nhân gây bệnh nào được biết đến. Hậu quả là tình trạng viêm mãn tính và loét của đường ruột.

Theo TS Đức, biểuhiện của bệnh Crohn gồm 2 thể: cấp và mạn. Trong đó, thể cấp tính bệnh có biểu hiện và diễn biến giống viêm ruột thừa cấp: có sốt cao 39-40oC, đau bụng vùng hố chậu phải, đau sau khi ăn, đại tiện xong thì giảm đau; bệnh nhân buồn nôn hoặc nôn, có khi đi ngoài lỏng, phân có thể có máu; bụng chướng, ấn đau, đôi khi sờ thấy một khối dài ở hố chậu phải.

Còn thể mạn tính bệnh tiến triển từ từ, kéo dài 2-4 năm hoặc có khi hơn. Người bệnh thường đến khám với các triệu chứng như ở thể cấp tính, kèm theo thiếu máu và các biến chứng như thủng ruột, hẹp lòng ruột, rò từ hồi tràng vào đại tràng, bàng quang và các cơ quan lân cận khác.

Theo TS Đức, chẩn đoán bệnh Crohn khó vì đoạn viêm thường là đoạn hồi tràng, nằm ở vùng hố chậu phải, triệu chứng gần giống với viêm ruột thừa cấp, lao manh tràng, lao ruột, u nang buồng trứng xoắn, viêm buồng trứng, vòi trứng, vỡ chửa ngoài dạ con. 

Do đó, khi người bệnh ngoài các triệu chứng sốt cao 39-40oC, đau bụng vùng hố chậu phải, đau sau khi ăn, đại tiện xong thì giảm đau; bệnh nhân buồn nôn hoặc nôn... nên đi khám để được chẩn đoán sớm.

Các yếu tố khác có thể nghĩ đến bệnh việm ruột như tuổi từ 20-40; tiền sử gia đình có một người thân, như cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con có bệnh này; hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất phát triển bệnh Crohn; dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như  ibuprofen, naproxen, diclofenac, piroxicam… cũng có thể gây ra bệnh Crohn.

 "Nếu bệnh viêm đường ruột mãn tính không được điều trị, teo thời gian sẽ làm ruột  dày lên gây hẹp và tắc, có thể gây loét thủng hoặc rò tiêu hóa (fistula) sang bàng quang, âm đạo, tử cung. Nguy hiểm hơn làm gia tăng nguy cơ ung thư tới 90% đặc biệt ở đại tràng", TS Đức cho biết. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem