Cụ thể, trong ngày 04/05, giá lợn hơi tại miền Trung và miền Nam vẫn duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ. Tuy nhiên, tại miền Bắc, giá lợn hơi vẫn tiếp tục “nhảy múa”.
Tại Hà Nội, giá lợn hơi ghi nhận tăng thêm 2.000 đồng/kg lập “đỉnh” mới ở mức 95.000 đồng/kg. Thịt lợn móc hàm tăng lên mốc 128.000 đồng/kg, thịt bán lẻ tại các chợ dân sinh cũng được điều chỉnh tăng thêm 10.000 đồng/kg.
Trong vài ngày qua, giá thịt lợn liên tiếp tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo chia sẻ của một số tiểu thương, nếu tình trạng mất cân bằng giá cả thị trường tiếp diễn, nhiều người kinh doanh thất thu, bỏ nghể do ế ẩm.
Điều này sẽ gây ra một hệ lụy tương lai khi người bán bỏ nghề, hệ thống phân phối đứt gãy gây nên giá cả giảm mạnh trong tương lai khi phải đối mặt với lượng thịt lợn nhập khẩu ngày càng nhiều, giá lại rẻ hơn.
Giá lợn hơi tăng có thể khiến nhiều người kinh doanh bỏ nghề
Tuy nhiên, khác với diễn biến thị trường Hà Nội, giá lợn hơi tại chợ đầu mối tỉnh Hà Nam tuy có tăng nhưng vẫn ở ngưỡng phổ biến khoảng 86.000 đến 88.000 đồng, có một số ít nơi bán giá 90.000 đồng/kg.
Theo đó, mức tăng trên, đã được nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn ở miền Bắc dự báo. Nguyên nhân là do sau thời gian cách ly toàn xã hội, người dân có tâm lý vui chơi sau nhiều ngày thực hiện giãn cách, nhiều khu du lịch, nhà hàng cũng đã hoạt động trở lại.
Do đó, ngay trong ngày hôm qua (3/5) giá lợn hơi tại Thái Nguyên đã đạt 90.000 - 91.000 đồng/kg. Thậm chí do tình trạng khan hiếm lợn to, thương lái mua cả những con heo mới đạt 85 - 90 kg/con.
Tại Hà Nội, giá heo hơi trong ngày (3/5) cũng dao động trong khoảng 90.000 - 91.000 đồng/kg. Đặc biệt, tại Hưng Yên, giống lợn đẹp, chăn nuôi theo quy trình an toàn có thể đạt mức 93.000 đồng/kg.
Trong khi giá thịt lợn đang tăng cao, giá gia cầm tiếp tục “rớt” thảm hại do nguồn cung dư thừa, gà nhập khẩu lại đổ bộ về nước. Điều này gây áp lực cho ngành chăn nuôi song người dân vẫn phải mua giá cao do khâu lưu thông…
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho biết, giá gà công nghiệp, vịt hiện nay chỉ còn 12.000 đồng/kg song người dân vẫn phải mua từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg do quá nhiều khâu “trung gian.
Cụ thể, với giá gà ở trại chỉ 12.000 đồng/kg, qua khâu vận chuyển thêm 1.000 đồng/kg, công giết mổ 3.000 đồng/kg, đóng gói, bao bì, trừ hao hụt lông thì ra giá gà trung bình ở mức 21.000 đồng/kg.
“Đây là mức giá vô lý khiến cho thị trường chậm tiêu thụ khi giá gia cầm đang quá rẻ. Mặt khác, lượng nhập khẩu gia cầm đang tăng cao, gây áp lực cho thị trường trong nước khiến người chăn nuôi lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn khi hưởng ứng sự kêu gọi tăng đàn gia súc giảm áp lực cho giá thịt lợn”, ông Ngọc nhận định.
Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, tính đến giữa tháng 4/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 78.376 tấn thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn cung thịt gia cầm cho Việt Nam chủ yếu đến từ: Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Hà Lan và Nga. Trước đó, cả năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 144.330 tấn sản phẩm gia cầm (tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2018).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.