Giá thực phẩm: Hết lên đỉnh lại... xuống đáy!

Thứ tư, ngày 12/10/2011 06:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu cách đây 2 tháng, ngành chăn nuôi loay hoay đi tìm nguyên nhân làm giá thực phẩm trong nước tăng vọt, thì tới hôm qua (11.10), Bộ NNPTNT lại đi tìm nguyên nhân làm... giảm giá thực phẩm.
Bình luận 0

Đi tìm nguyên nhân giảm giá

Khi giá thịt gia súc, gia cầm bắt đầu tăng giá từ tháng 7 và lên “đỉnh” vào tháng 8 vừa qua với mức tăng 70-100%, cũng là lúc các nhà nhập khẩu thịt của Việt Nam ráo riết cho nhập khẩu thịt từ nước ngoài về để dập tắt “ngọn lửa” giá thực phẩm trong nước.

img
Sản phẩm thịt lợn sản xuất trong nước đang bị thịt nhập khẩu cạnh tranh quyết liệt.

Cụ thể, nếu từ tháng 1 đến tháng 7, các doanh nghiệp chỉ nhập khẩu với số lượng trung bình 8.900 tấn/tháng, thì trong các tháng 7, 8, số lượng nhập khẩu đã tăng lên 14.573 tấn/tháng (tăng 63%). Còn tính 9 tháng qua, số lượng thịt nhập đã lên đến 85.429 tấn.

Lượng thịt nhập khẩu tăng bất thường này đã đẩy giá xuất chuồng đối với lợn, gà hiện giảm tới 20-25%, trong đó lợn còn 51.000-53.000 đồng/kg. Điều đó có nghĩa là nhiều hộ chăn nuôi vừa được lãi lớn ở lứa chăn nuôi lợn trước, sẽ chịu lỗ trong lứa kế tiếp.

Dù Bộ NNPTNT khẳng định, nguyên nhân giảm giá không phải do nhập khẩu, nhưng theo ông Lê Văn Hiển- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa: “Nếu cứ cho nhập khẩu như thế này, chăn nuôi không thể nào phát triển được và giá sẽ còn xuống nữa. Do đó, phải kiên quyết không cho nhập khẩu”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: “Có thể nói, năm nay là một năm biến động khác thường về giá đối với sản phẩm chăn nuôi theo hướng lên đỉnh, xuống đáy. Một phần dẫn đến giá giảm hiện nay là vào tháng 9, 10, nguồn cung dồi dào và rất có thể do bị thương lái làm giá để hưởng lợi”.

Trong khi đó, theo đánh giá của Cục Thú y, giá thịt gia súc, gia cầm giảm nhiều do 2 nguyên nhân: Trong tháng 7, do giá thịt trong nước cao và người chăn nuôi có lợi nhuận nhiều, nên các tổ chức, cá nhân đã chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm.

Mặt khác, tại các tỉnh miền Nam, miền Trung bị lũ lụt nhiều, các chủ chăn nuôi bán chạy nhiều gia súc, gia cầm cho các cơ sở giết mổ để phòng tránh lũ lụt và e ngại giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng cao, dẫn đến nguồn cung vượt cầu trong thời gian ngắn.

Nhập thêm 35.000 tấn thịt

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn VN) cho rằng: “Ngành chăn nuôi đang trong một vòng luẩn quẩn khi bị tác động một phần bởi yếu tố đầu cơ, dẫn đến có sự chênh lệch cực lớn giữa giá nông dân (được hưởng) và giá người tiêu dùng (phải trả). Có sự chênh lệch này do thông tin không minh bạch, bởi vì có đến 80% nguồn cung thực phẩm hiện nay là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến có lúc thiếu hụt nguồn cung cục bộ, khiến cho thương lái lợi dụng để đầu cơ tăng, giảm giá”.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, với đà tăng trưởng như hiện nay, mỗi tháng trong nước sản xuất được khoảng 242.000 tấn thịt xẻ các loại và có thể đáp ứng đủ nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, trong 4 tháng còn lại (từ nay đến Tết), sẽ có từ 30.000-35.000 tấn thịt, chủ yếu là gia cầm được nhập về Việt Nam.

Ông Sơn dự báo: “Rất có thể đến Tết giá thực phẩm sẽ nhích lên, nhưng sẽ không gây lên sự đột biến như trong thời gian vừa qua”. Về phía các doanh nghiệp, theo ông Đoàn Trọng Lý- Tổng Giám đốc Công ty Aprocimex: “Chúng ta cần tiếp tục quy hoạch chăn nuôi, đồng thời không nên cho nhập khẩu thịt vì người chăn nuôi khó khăn sẽ bỏ nghề, dẫn đến lại giảm nguồn cung thịt trong nước”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên: Chặn thịt bẩn bằng hàng rào kỹ thuật

Các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện nay không cấm nhập khẩu. Việc thịt nhập vào VN do nhu cầu của thị trường và theo nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhập thịt về làm gì đó là quyền của doanh nghiệp. Chúng ta chỉ có thể làm sao xây dựng được hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ để kiểm soát chất lượng thịt nhập về. Nguy hiểm là đã xảy ra tình trạng thịt không đạt tiêu chuẩn vẫn được nhập vào VN với giá rẻ, gây ảnh hưởng tới giá thịt trong nước. Do vậy, chỉ có hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật tốt thì mới ngăn chặn được thịt kém chất lượng nhập vào VN.

Phải kiểm tra doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi

Chiều 11.10, phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NNPTNT.

Thưa ông, vì sao giá thực phẩm trong nước đang giảm, nhưng chúng ta vẫn cho nhập khẩu thêm thịt từ nước ngoài về?

- Ở đây, không phải là quan điểm hay không quan điểm, mà việc nhập khẩu thực phẩm là không cấm được do vấn đề tự do thương mại. Cái chính là phải thiết lập được các hàng rào, tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo quy luật, sản xuất trong nước không đáp ứng được, giá thành cao hơn, thì phải nhập khẩu. Rõ ràng, chúng ta phải xem lại mình, vì ở đây có chuyện rất bất hợp lý là 1kg gà, người nông dân bán ra được có 30.000 đồng, trong khi mua ở siêu thị tới hơn 100.000 đồng/kg, thì không hợp lý tý nào cả. Nếu như thế, doanh nghiệp không tội gì họ không nhập, vì họ nhập về rồi bán ra siêu thị có lãi hơn rất nhiều.

Vậy muốn hạ giá thành sản xuất, chúng ta cần có những giải pháp gì?

- Có rất nhiều vấn đề, trước tiên phải xem lại các dịch vụ phục vụ cho chăn nuôi của mình, thuốc thú y có vấn đề, thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cũng có vấn đề. Bây giờ, TĂCN giá cao, chất lượng kém, nếu mình nói ra, thì bên Hiệp hội TĂCN lại bảo là do giá nguyên liệu tăng. Nhưng tôi nói thế này, hiện cổ tức của các doanh nghiệp TĂCN đang rất cao, như năm 2011 này, các ngành kinh tế rất khó khăn nhưng cổ tức ngành TĂCN vẫn tăng.

Nói như ông, thì chính các doanh nghiệp TĂCN đang gây khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước?

- Để làm rõ vấn đề này, Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải vào cuộc kiểm tra, rà soát lại xem chi phí sản xuất ngành TĂCN như thế nào. Từ đó, chúng ta khuyến cáo họ bán với mức giá hợp lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem