Giá trị thật

Chủ nhật, ngày 05/09/2010 09:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - V.League phát triển nóng mang hình thù của những quả bong bóng. 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp với sự tự phát và quản lý thiếu chuyên nghiệp, bóng đá VN đang đứng trước nguy cơ lãnh hậu quả.
Bình luận 0

Ở V.League thời điểm này, vào sân là phải chào tỷ phú. LS.Thanh Hóa là một trong những CLB thuộc diện nhà nghèo, mới hoàn thành công cuộc chuyển đổi thành CLB chuyên nghiệp cách đây không lâu, ấy vậy mà vừa ra một quyết định gây sốc: Ký hợp đồng với trung vệ Anh Tuấn với giá lót tay lên tới 7 tỷ và khoản lương tháng 40 triệu.

Điều đáng nói, Anh Tuấn không phải là cầu thủ thuộc diện ngôi sao, thậm chí chưa một lần được ông Calisto để mắt để gọi lên tuyển. Ấy thế nhưng LS.Thanh Hóa chẳng còn cách nào khác nếu như không muốn xảy ra tình trạng “chảy máu” cầu thủ trong tương lai. Đó cũng là hiện tượng khiến bóng đá Thanh Hóa vốn không thiếu nhân tài nhưng cứ lẹt đẹt bao nhiêu năm nay.

Điều mà nhiều người đang e ngại, sau 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, V.League sẽ không còn hai chữ thử nghiệm nhưng rất thiếu tính bền vững. Các cầu thủ được đẩy giá lên chóng mặt và hiển nhiên là quá cao so với giá trị thật của họ cũng như đóng góp cho xã hội. Nếu so với đồng lương công chức, "nghề" cầu thủ bây giờ thuộc đẳng cấp cao trong xã hội và luôn tạo ra sự hào nhoáng.

Điều này rất nguy hiểm khi cầu thủ trở thành thần tượng của giới trẻ. Công Vinh đã từng là một "thần tượng" như vậy, nhưng cho đến giờ này những ấn tượng mà Công Vinh để lại ngoài tiền tỷ, xe đẹp, mối quan hệ với cô ca sĩ thì chỉ là những hành động thiếu văn hóa hay những phát ngôn hời hợt thiếu suy nghĩ. Công Vinh đã có lúc là tấm gương vượt khó, vươn lên từ hoàn cảnh không may mắn của gia đình. Tuy nhiên, khi sống trong nhung lụa, trong sự tung hô, cầu thủ này nhanh chóng đánh mất những điều mà giới trẻ kỳ vọng.

Sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Toán học Fields danh giá đã khiến nhiều người giật mình. Trong xã hội hiện đại, điều tất cả đang hướng đến là một nền kinh tế tri thức thì vẫn còn nhiều tiềm năng trong con người Việt chưa khai thác hết, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.

Đã đến lúc phải đánh giá lại, vì sao một học sinh đoạt HCV Olympic Toán quốc tế lại nhận được khoản tiền thưởng không bằng khoản tiền một cầu thủ hạng trung bình cho vào túi chỉ sau một trận đấu ở V.League.

V.League phát triển nóng mang hình thù của những quả bong bóng. 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp với sự tự phát và quản lý thiếu chuyên nghiệp, bóng đá VN đang đứng trước nguy cơ lãnh hậu quả.

Không thể chậm hơn, phải đánh giá lại giá trị của cầu thủ và đặt nó đúng với những giá trị thật khác trong xã hội!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem