Ông Andrew Naylor - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương Hội đồng vàng thế giới (WGC) có những chia sẻ với PV báo Dân Việt về giá vàng trước những biến động mới đây.
Giá vàng biến động
Trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 7/3, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng, lạm phát ở Mỹ đã tăng tốc trở lại. FED có thể thắt chặt tiền tệ hơn nữa bằng cách tăng lãi suất cao hơn và sớm hơn so để dập tắt lạm phát.
Việc lãi suất tiếp tục điều chỉnh tăng của FED dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vàng thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thị trường vàng có khả năng sẽ đổi chiều. Thế nhưng, nhu cầu về đầu tư vào mặt hàng này tại thị trường Việt Nam vẫn được dự báo ở mức cao. Sự chênh lệch về giá vàng giữa Việt Nam và thế giới vẫn tiếp diễn, do nhu cầu lớn trong khi nguồn cung hạn hẹp.
Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến giá vàng thế giới, thưa ông?
Khi lãi suất tăng lên, đặc biệt là lãi suất của Mỹ, lợi suất của vàng thường sẽ giảm. Tuy nhiên, WGC kỳ vọng những đợt tăng lãi suất sẽ dần được ấn định.
Nghiên cứu của WGC cho thấy, trong giai đoạn đầu của chu kỳ tăng lãi suất, ảnh hưởng đối với vàng sẽ được thể hiện rõ ràng nhất.
Vậy giá vàng tại Việt Nam sẽ biến động ra sao?
Giá vàng ở Việt Nam rất cao. Chi phí trả thêm cho vàng tại Việt Nam luôn thuộc nhóm các nước cao nhất trên thế giới. Điều này phản ánh tình trạng cung cầu thiếu cân đối.
Nhu cầu đầu tư cá nhân và tiêu dùng sẽ tiếp tục cao do vàng có mối gắn kết mật thiết và lâu đời với lịch sử và văn hóa tại Việt Nam.
Trong khi nguồn cung lại thiếu vì Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất vàng, và việc nhập khẩu vàng cũng bị hạn chế. Những yếu tố này là lý do tại sao giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế.
Vàng vẫn là "hầm trú ẩn" trước những bất ổn địa chính trị và lạm phát
Năm 2022, Việt Nam dẫn đầu sự tăng trưởng nhu cầu vàng trong khu vực Asean, nhất là vàng trang sức. Nhu cầu về vàng tăng cao ở mức đột biến như năm 2022 vừa qua nói lên điều gì về nền kinh tế Việt Nam?
Yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng tại Việt Nam chính là thu nhập cá nhân tăng lên. Bởi vì, nhu cầu trang sức có mối liên hệ chặt chẽ với sự tăng trưởng kinh tế. Khi kinh tế đang phát triển tốt, người tiêu dùng sẽ mua nhiều vàng trang sức hơn.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố khác, bao gồm những bất ổn về kinh tế và lạm phát. Với vai trò là một tài sản có giá trị về tài chính, vàng giúp giảm thiểu rủi ro, chống lại lạm phát, bảo về giá trị tài sản và được nhìn nhận như một tài sản trú ẩn an toàn.
Việt Nam là thị trường trang sức rất lớn. Đặc biệt nhu cầu mạnh mẽ về vàng còn cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng với một nền tảng vững chắc.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực và điều này đã góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu đầu tư vàng cá nhân.
Theo ông, nhu cầu đầu tư vàng của Việt Nam trong năm 2023 có tiếp tục giữ mức tăng trưởng tương tự năm vừa qua không?
Những yếu tố thúc đẩy nhu cầu đầu tư cá nhân vẫn sẽ tiếp tục khẳng định sức ảnh hưởng trong năm 2023.
Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn thể hiện triển vọng khả quan, đặc biệt là khi nền kinh tế đã hoàn toàn mở cửa trở lại. Tuy nhiên, những lo ngại về rủi ro tài chính và bất ổn địa chính trị quốc tế vẫn còn đó.
Nghiên cứu của chúng tôi tại Việt Nam cho thấy, có rất nhiều lý do thúc đẩy người tiêu dùng mua vàng.
Trong đó có 2 lý do quan trọng: Vàng giữ vai trò như hầm trú ẩn trước những bất ổn về địa chính trị, cũng như bảo vệ giá trị tài sản khỏi hao hụt gây ra bởi tình trạng lạm phát.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện mức tăng trưởng lạc quan, người tiêu dùng sẽ được gây dựng thêm niềm tin. Và khi họ có niềm tin, họ mua nhiều vàng hơn, đặc biệt là vàng trang sức.
Trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về việc các nhà đầu tư Việt Nam sẽ chuyển hướng đầu tư vào vàng nhiều hơn so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản…?
Với vai trò là một tài sản có giá trị tài chính, vàng thường được sử dụng để đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm thiểu rủi ro. Vàng không có nhiều liên hệ chặt chẽ với các tài sản khác, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Crypto (một dạng tiền điện tử được phát hành bởi các dự án Blockchain), bất động sản, chứng khoán thường có mối liên hệ tương quan, và đều có xu hướng phụ thuộc vào tình trạng chung của nền kinh tế trong một chu kỳ (pro-cyclical).
Chính vì vàng có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư, đồng thời cũng là một tài sản trú ẩn an toàn, nên nhu cầu đầu tư vàng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong tình trạng bất ổn kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.